ThienNhien.Net – Trước sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, cách đo, tính tiền điện của nhiều nước trên thế giới đã thay đổi đáng kể. Họ đã cải tiến như thế nào?
Phần I- Nga: Thay đồng hồ cổ điển bằng thiết bị đa năng
Những năm gần đây, ngành Điện lực của LB Nga đang tích cực triển khai công tác lắp đặt các trang thiết bị đo điện đa năng tại các hộ dân cư, các công sở và các nhà máy, xí nghiệp. Mục đích của việc làm này, đơn giản là nhằm quản lý chặt chẽ hơn và cũng hợp lý hơn việc sử dụng điện của người tiêu dùng.
Trước đây, cũng như tại Việt Nam, đồng hồ đo điện (hay còn gọi là công tơ điện) được sử dụng là loại đồng hồ cổ điển. Trên đồng hồ chỉ có một dữ liệu chỉ tổng công suất điện đã sử dụng. Cứ vào khoảng thời gian nhất định trong tháng, người tiêu thụ điện ghi lại chỉ số điện trên đồng hồ, sau đó tự trừ đi tổng số công suất điện đã sử dụng của tháng ngay trước đó để biết tổng số công suất điện mà mình đã sử dụng trong tháng rồi nhân với giá điện quy định và điền vào hóa đơn để tự thanh toán.
Tại mỗi khu vực, trong trạm điện người ta lắp một hoặc một vài thiết bị đo điện. Nếu thấy tổng số điện năng tiêu thụ lệch so với mức tự khai báo của người sử dụng, nhân viên của công ty quản lý điện lực sẽ đi kiểm tra đối chiếu để tìm nguyên nhân.
Hiện nay, gần như toàn bộ các đồng hồ đo điện dạng cổ điển đã và đang được thay thế bằng loại điện tử đa năng. Trên mỗi thiết bị này có ba mục hiển thị, tương ứng với ba mức giá điện khác nhau. Cụ thể, vào giờ cao điểm trong ngày (T1) từ 7h – 10h và từ 17h-21h có biểu giá cao nhất là 3,18 ruble/kw. Thời gian bán cao điểm trong ngày (T2) từ 10h – 17h và từ 21h – 23h có biểu giá là 2,63 ruble/kw. Thời gian thấp điểm trong ngày (T3) từ 23h – 7h sáng có biểu giá rất thấp, chỉ 0,81 ruble/kw. Đây là mức giá áp dụng tại thủ đô Moscow, dùng cho những khu dân cư không có gas dẫn vào từng hộ gia đình mà phải đun bằng điện nên biểu giá thường thấp hơn các khu dân cư có gas để đun nấu.
Trên thiết bị đo điện này, cứ sau mỗi vài chục giây, tổng công suất đã sử dụng theo ba khoảng thời gian sẽ tự động hiển thị để người sử dụng điện tiện theo dõi.
Nếu giá 1 chiếc công tơ điện dạng cổ điển chỉ khoảng 500 ruble (khoảng 10 USD) thì loại thiết bị đo điện mới có giá dao động từ 2000 – 3500 ruble. Mặc dù đắt hơn, nhưng người sử dụng điện vẫn sẵn sàng đầu tư vì “đắt nhưng sắt ra miếng”.
Còn tại một số cơ sở sản xuất, các thiết bị đo điện có nối mạng vô tuyến điện với trung tâm điều hành đang được triển khai lắp đặt. Với cách thức này, việc quản lý sẽ thuận lợi hơn, đỡ tốn kém thời gian hơn và cũng giảm thiểu đến mức tối đa khả năng điện bị mất cắp.
Mỗi hộ gia đình đều được cơ quan quản lý cấp cho một mã số, thông qua đó, người tiêu dùng có thể kiểm tra được tình trạng thanh quyết toán của mình và có thể tự trả tiền sử dụng điện qua Internet, vừa tiết kiệm được thời gian, vừa tránh được các thất thoát không đáng có từ các khâu trung gian.
Phần II: Australia ứng dụng công nghệ hiện đại vào đo điện