ThienNhien.Net – Đầu tháng 6 vừa qua, một nhóm các nhà khoa học và kinh tế đã công bố kế hoạch khởi động Chương trình Global Apollo với kỳ vọng đến năm 2025 năng lượng mặt trời sẽ rẻ hơn năng lượng nhiệt điện.
Các quốc gia tham gia dự án (bao gồm Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Các Tiểu vương quốc Ả Rập, Ấn Độ và Trung Quốc) cam kết dành 0,02% GDP đầu tư vào nghiên cứu năng lượng tái tạo, với 15 tỉ USD kinh phí ban đầu từ chi tiêu công. Lưu ý rằng, đầu tư công dành cho nghiên cứu trên toàn cầu hiện tại mới chỉ dừng ở mức 6 tỉ USD.
Chỉ trong một thời gian ngắn, công nghệ năng lượng mặt trời đã đạt được những bước tiến đáng kể. Năng lượng tái tạo đang dần chiếm lĩnh thị phần so với các nguồn năng lượng khác, đặc biệt là ở các khu vực nhiều nắng, rộng rãi và những nơi khan hiếm nhiên liệu hoặc nguồn nhiên liệu không sạch. Chẳng hạn, những khu vực tràn đầy ánh nắng như California và Hawaii có thị trường năng lượng mặt trời khá cạnh tranh, còn những khu vực với không gian rộng lớn trên đất liền hoặc ngoài biển lại phù hợp với năng lượng gió.
Các chính phủ cũng thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo thông qua các đòn bẩy kinh tế. Chẳng hạn, người dân Mỹ có thể nhận được 30% tín dụng đầu tư khi lắp đặt thiết bị năng lượng tái tạo, một lí do dẫn đến sự phát triển thương mại các tấm pin mặt trời. Bên cạnh đó, chính sách trợ giá cũng cho phép các hộ gia đình bán điện dư thừa cho công ty năng lượng với giá ưu đãi.
Tuy nhiên, những ý kiến phản đối năng lượng tái tạo lại cho rằng việc được trợ giá cho thấy những đầu tư cho năng lượng gió và mặt trời là vô ích, chỉ có tác dụng cứu rỗi lương tâm sống “xanh” và bảo trợ cho những công ty có liên hệ chính trị. Quan điểm này đúng ở chỗ, các chính phủ có thể đã chi quá nhiều cho công nghệ thế hệ đầu tiên vốn tốn kém và không hiệu quả so với những công nghệ hiện có.
Tuy nhiên, trên thực tế thì mọi nguồn năng lượng đều được trợ giá theo cách này hay cách khác. Chẳng hạn như những người sử dụng nhiên liệu hóa thạch không hề phải chi trả cho những tổn hại mà họ gây ra cho Trái Đất. Trong khi trợ giá cho năng lượng tái tạo là khoảng 100 tỉ Đô la một năm, thì trợ giá dành cho nhiên liệu hóa thạch (bao gồm cả các khoản chưa bồi thường ô nhiễm không khí và nóng lên toàn cầu) là 5,3 nghìn tỉ Đô la, theo một báo cáo gần đây của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF).
Hơn thế, mức trợ giá cho năng lượng tái tạo lại đang giảm mạnh. Chính phủ Mỹ đang thực hiện cắt giảm tín dụng thuế, còn Anh Quốc cũng đang bãi bỏ chính sách trợ giá cho sản xuất điện gió trong đất liền. Trong khi đó, các khoản đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo từ các doanh nghiệp tư nhân vẫn đang mức rất thấp, chỉ chiếm 2% doanh thu (ngành dược phẩm 5%, điện tử tiêu dùng 15%).
Mặc dù vậy, hiệu suất năng lượng tái tạo vẫn tăng lên nhanh chóng, lượng sử dụng năng lượng tái tạo cũng đang tăng đáng kể. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (thành lập bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế – OECD), trong năm 2013, năng lượng tái tạo chiếm gần 22% sản lượng điện toàn cầu, tăng 5% so với năm 2012.
Tuy nhiên, để năng lượng tái tạo có thể đóng một vai trò ý nghĩa trong việc làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, cần thêm nhiều bước tiến nhanh hơn nữa. Đến nay, mức độ CO2 trong khí quyển đang dần tiến đến mức dự báo cho năm 2035 đi kèm với mức tăng thêm 2 độ C nhiệt độ bề mặt trái đất. Nếu các chính sách không thay đổi, nhiệt độ được cảnh báo sẽ còn có thể tăng lên 4°C.
Để ngăn chặn hiểm họa này, đến năm 2025, năng lượng tái tạo cần phải rẻ hơn các nhiên liệu hóa thạch. Nói cách khác, năng lượng tái tạo cần phải có những bước đột phá về công nghệ trong tương lai, đi kèm với việc đẩy mạnh đầu tư cho nghiên cứu và phát triển năng lượng trong thời gian sắp tới.
Để làm được điều này, một cú hích khiến cho thế giới lệ thuộc hoàn toàn vào năng lượng mặt trời là vô cùng cần thiết. Tựa như cú hích mà người Mỹ đã đầu tư 150 tỷ USD để đưa con người đặt chân lên mặt trăng vậy.