ThienNhien.Net – “Việc xóa bỏ các quy hoạch trong các ngành, sản phẩm cụ thể để chuyển sang thực hiện quản lý bằng các điều kiện, tiêu chuẩn một cách công khai, minh bạch sẽ giúp xóa bỏ “cái gông” kìm hãm sản xuất-kinh doanh, điển hình nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hiện nay”.
Đây là khẳng định của ông Lưu Đức Khải -Trưởng ban Chính sách Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Viện Quản lý kinh tế T.Ư).
Theo dự thảo Luật Quy hoạch mới thì hầu hết các ngành nông nghiệp như thủy sản, cà phê, tiêu, điều, gạo, ngô, khoai, sắn… sẽ không còn được lập các quy hoạch nữa, ông nghĩ sao?
– Không riêng gì nông nghiệp mà trong tất cả các sản phẩm, ngành nghề hiện nay thì lĩnh vực nào cũng muốn có quy hoạch và lĩnh vực nào cũng bị phá vỡ quy hoạch. Chúng ta làm ra quy hoạch nhưng có ai thực hiện theo quy hoạch đâu hoặc quy hoạch một đằng, thực hiện một nẻo. Quy hoạch chồng chéo, quy hoạch nọ vướng quy hoạch kia, không thể thực hiện được. Bộ KHĐT đã thống kê, trong giai đoạn 2011-2020, Việt Nam phải làm tới 19.825 bản quy hoạch, trong đó có địa phương làm tới 200-300 bản quy hoạch, quả là con số khủng khiếp.
Với lĩnh vực nông nghiệp, tôi nhận thấy, hầu hết các quy hoạch của các sản phẩm trong nông nghiệp hiện nay cũng đều đang bị phá vỡ, không thực hiện đúng như quy hoạch hồ tiêu, cà phê, sắn… Các quy hoạch trong nông nghiệp đều đang “chạy theo” thị trường chứ không dựa trên thị trường, quy hoạch theo chủ quan là chính.
Theo ông tại sao các quy hoạch của ta, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, lại kém hiệu quả như vậy?
– Tất cả là bởi chúng ta không có đủ nguồn lực để thực hiện các quy hoạch khiến cho quy hoạch về tổng thể là không xử lý được. Quy hoạch ban ra thì phải có chính sách đi kèm để thực hiện cho được, nhưng chúng ta lại không có chính sách, hoặc có cũng như không vì không có nguồn lực nào để thực hiện hoặc đáp ứng đủ. Nhiều quy hoạch giao cho địa phương chi ngân sách làm nhưng địa phương cũng không làm nổi. Chưa kể, có tình trạng các bộ ngành, địa phương đưa lợi ích nhóm cục bộ, cát cứ địa phương mình vào các quy hoạch nên hầu hết các quy hoạch đều không được thực hiện một cách khách quan hay vì lợi ích của người dân, vì sự phát triển của ngành, sản phẩm đó…
Các nước đều có quy hoạch nhưng đi kèm theo các quy hoạch này họ dành một khoản ngân sách cụ thể và thích đáng để thực hiện nó. Người dân thực hiện theo quy hoạch thì được hưởng lợi rất nhiều từ các quy hoạch này, ngược lại sẽ không nhận được gì nên người dân của họ thường tuân thủ quy hoạch. Và chắc chắn không phải sản phẩm nào, lĩnh vực nào họ cũng làm quy hoạch như ở ta.
Vậy lấy gì đảm bảo là sản xuất nông nghiệp sẽ tốt hơn lên khi không còn các quy hoạch nữa?
– Chúng ta sẽ chuyển sang thực hiện quản lý bằng các điều kiện, tiêu chuẩn một cách công khai, minh bạch, đảm bảo phù hợp với thông lệ, tập quán quốc tế chứ không cần phải có quy hoạch. Tôi chỉ ví dụ chúng ta không thể quy hoạch làm 500 tấn cá tra trong khi nhu cầu thị trường là 1 triệu tấn hay làm 200ha tôm nhưng nhu cầu thị trường chỉ nuôi 100ha là đủ…
Sự phát triển của một ngành nào đó phải được dựa theo nhu cầu của thị trường và phù hợp với thực tế sản xuất. Chúng ta nên tập trung vào quản lý bằng các điều kiện sản xuất kinh doanh cụ thể. Đây cũng là xu hướng tất yếu của nền kinh tế thị trường trong quá trình hội nhập. Thị trường đang đòi hỏi về chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm. Anh đáp ứng được yêu cầu của thị trường thì anh tồn tại, phát triển, không thì anh sẽ phải đóng cửa, phá sản, không sản xuất được…
Chắc chắn một nền sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng này sẽ đem lại hiệu quả hơn rất nhiều so với việc cứ làm ra các quy hoạch mà chả ai thực hiện và quy hoạch thì làm ở trên trời còn nông dân thì sản xuất ở dưới đất; quy hoạch như “cái gông” trên mỗi sản phẩm, ngành nghề hiện nay…
Cuối cùng theo ông, làm thế nào để các điều kiện, tiêu chuẩn với mỗi ngành nghề, sản phẩm tới đây sẽ không trở thành “tên gọi khác” của quy hoạch và lại trở thành “cái gông” như ông nói- cản trở sự phát triển sản xuất, kinh doanh của mỗi ngành nghề?
– Trước hết, mỗi tiêu chuẩn điều kiện đưa ra phải gắn được với chuỗi giá trị của sản phẩm, ngành nghề đó. Các điều kiện, tiêu chuẩn phải có chọn lọc. Các điều kiện, tiêu chuẩn không cần thiết phải được xóa bỏ, hạn chế ban hành. Chúng ta không thể bỏ các quy hoạch để rồi “đẻ” một cách ồ ạt ra các đề án, chương trình để thay thế vào mà tới đây các đề án, chương trình với mỗi ngành nghề sản phẩm phải được gắn chặt với các điều kiện để thực hiện, nguồn lực để triển khai công việc đó. Các đề án, chương trình đưa ra cũng phải ngắn hạn, có thể thay đổi theo lợi ích của người dân và theo yêu cầu của thị trường.
Xin cảm ơn ông!
Theo Ban soạn thảo dự thảo Luật Quy hoạch (Bộ KHĐT), giai đoạn 2011-2020, cả nước sẽ có tới 19.285 bản quy hoạch. Trong đó, nhiều nhất là quy hoạch xây dựng, tới trên 11.000 bản. Các quy hoạch được lập quá nhiều nhưng chất lượng thấp, chồng chéo, không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi. Trong khi đó, việc lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch bị buông lỏng. |