ThienNhien.Net – Sự ấm lên của Trái Đất dẫn tới tình trạng khan hiếm nguồn nước và lương thực có thể là nguyên nhân gây ra nạn di cư quy mô lớn, sự tranh giành các nguồn tài nguyên và sự sụp đổ của chính quyền tại nhiều nước, từ đó tạo ra khoảng trống quyền lực “màu mỡ” cho các cuộc xung đột và chủ nghĩa khủng bố.
Nhận định trên được đưa ra trong báo cáo có tựa đề “Biến đổi khí hậu, sự đánh giá rủi ro” do một nhóm gồm 40 chuyên gia, nhà khoa học và nhà phân tích chính trị, tài chính và quân sự của 11 nước trên thế giới thực hiện và công bố ngày 13/7. Các chuyên gia nhận định trong bối cảnh mức tăng trung bình của nhiệt độ toàn cầu là 0,8 độ C tính từ sau Cách mạng Công nghiệp cho đến nay, con người đang phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn, trong đó bất ổn chính trị và xung đột là chủ yếu.
Nhiệt độ tăng kéo theo mực nước biển tăng đã khiến diện tích đất canh tác bị thu hẹp, đẩy con người, đặc biệt tại các khu vực vốn bất ổn như Trung Đông và châu Phi, vào các cuộc tranh chấp tài nguyên. Bên cạnh đó, dân số tăng nhanh tại những khu vực này cũng là nguyên nhân khiến cuộc khủng hoảng lương thực và nước thêm trầm trọng. Các tác giả báo cáo nhận định không chỉ ảnh hưởng đến con người, biến đổi khí hậu còn sẽ đặt ra những rủi ro lớn đối với an ninh thế giới và mỗi quốc gia.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, số người di cư với mong muốn thoát khỏi xung đột và có một cuộc sống tốt hơn ở nước khác cao hơn nhiều hơn so với những người lánh nạn vì các vấn đề khác. Di cư đã trở thành nhu cầu hơn là sự lựa chọn đối với những người sống ở vùng chịu sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, và tình trạng này được dự báo có thể diễn ra ở diện rộng chưa từng có trong lịch sử. Báo cáo cảnh báo nạn di cư ồ ạt sẽ gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tại nhiều các quốc gia, trong đó có các nước phát triển và ổn định, do không kịp ứng phó với tình trạng này.
Theo báo cáo trên, biến đổi khí hậu dường như làm gia tăng áp lực lên nhiều quốc gia và ngay cả chính phủ các nước phát triển khó có thể đương đầu với loạt vấn đề về khí hậu. Bất ổn chính trị và xung đột tại những nước chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu đã tạo thời cơ cho chủ nghĩa khủng bố bành trướng. Những khoảng trống quyền lực là điều kiện lý tưởng cho mầm mống khủng bố và cực đoan bắt rễ và len lỏi tại các nước này, qua đó các phần tử cực đoan dễ dàng chiêu mộ những người dân, vốn bị đẩy ra ngoài rìa xã hội, vào hàng ngũ thánh chiến của mình.
Báo cáo trên được đưa ra trong bối cảnh các nước đang trong tiến trình đàm phán về một hiệp định toàn cầu về cắt giảm lượng khí thải nhằm ngăn chặn sự ấm lên toàn cầu. Tùy thuộc vào tiến trình và thời gian cắt giảm lượng khí thải, báo cáo cho rằng đến năm 2100, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng thêm 5 độ C trong khi mức tăng của mực nước biển có thể vào khoảng từ 40cm đến 1m.