ThienNhien.Net – Các nhà khoa học Trung Quốc và Vương quốc Anh vừa thử nghiệm thành công một thiết bị lọc không khí có hình dạng như một nhà chờ xe buýt trong khuôn viên trường Đại học Thanh Hoa ở Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), thành phố có chất lượng không khí ở mức tồi tệ nhất nước này. Phát minh mới được kỳ vọng là “lá chắn” bảo vệ sức khỏe cộng đồng không chỉ ở các thành phố ô nhiễm như Bắc Kinh mà trên toàn thế giới.
Kết quả thử nghiệm bước đầu
Lần đầu tiên ý tưởng thử nghiệm thiết bị lọc không khí có hình dáng như một nhà chờ xe buýt trên được ông Hoàng Vĩnh Quang, Giám đốc điều hành Sino Grenn (Hồng Kông) thuộc Sino Group, đệ trình lên Đại hội Nhân dân và Hội nghị Chính trị Hiệp thương Trung Hoa hồi tháng 3-2015 vừa qua. Ông Quang đã đề xuất thử nghiệm ở Hồng Kông và Bắc Kinh, nơi chất lượng không khí đang bị ô nhiễm trầm trọng.
Trước đó, thiết bị này đã được Công ty Tư vấn và Phát triển công nghệ môi trường thuộc tập đoàn Arup có trụ sở chính ở London kết hợp với Tập đoàn Phát triển địa ốc Hồng Kông Sino Group thiết kế và triển khai với mục đích nhằm thay đổi môi trường không khí ô nhiễm ở đặc khu Hồng Kông. Nguyên mẫu của “trạm lọc khí” kiêm nhà chờ xe buýt này được đặt tại East Road của Hồng Kông Queen, một trong những khu vực đông dân cư và sầm uất nhất Hồng Kông.
Trong thời gian 2 tháng đầu cho thấy hiệu quả rất khả quan, khi nó giúp giảm từ 30-70% hạt bụi phân tử PM2.5 (bụi không khí có đường kính nhỏ hơn 2.5 micron) và từ 40-60% hạt bụi phân tử PM10 trong không khí. Jimmy Tong, kỹ sư của Arup, người đã cùng phát triển thiết bị này cho biết, “trạm chờ xe buýt” có thể làm cho không khí chuyển động, giảm bớt độc hại, cắt giảm các “hiệu ứng ngõ hẻm” trong phố mà nguyên nhân chính là do mật độ các tòa nhà cao tầng.
Hệ thống khí thủy động lực học
Với diện tích khoảng 6m2, thiết bị lọc không khí bao gồm các lỗ thông gió ở phía dưới có khả năng “làm sạch” không khí và thoát ra ở các lỗ phía bên trên nhờ hệ thống khí thủy động lực học. Hình dạng của nó được các nhà thiết kế đảm bảo không cho phép các hạt bụi phân tử xâm nhập những người đang đứng ở phía dưới lỗ thoát khí. Cũng nhờ hệ thống thủy động lực học nên thiết bị này cũng sẽ giúp duy trì áp suất không khí ở môi trường xung quanh, mở rộng “lá chắn” không khí sạch.
Ngày 2-7 vừa qua, sau khi lắp thử nghiệm ở Hồng Kông, các nhà khoa học cũng đã lắp thử nghiệm trong khuôn viên trường Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, Trung Quốc. Ngay ngày đầu tiên, kết quả thu được rất khả quan khi mật độ bụi phân tử PM2.5 chỉ còn 1 microgram/m3, thấp hơn đáng kể so với những khu vực lân cận có mật độ khoảng 20 microgram/m3.
Triển vọng cho tương lai xanh
Hiện nay, chi phí cho một trạm chờ xe buýt kiêm máy lọc không khí này có giá khoảng 77.400 USD. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, khi nhân rộng mô hình này tại các thành phố thì chi phí sẽ giảm đáng kể. Đồng thời, các chuyên gia của Arup và Sino Group cho biết, họ sẽ tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, bao gồm cả việc tích hợp các thiết bị điều khiển thông minh để kiểm soát thời gian hoạt động cũng như nâng cao chất lượng không khí, hệ thống làm mát, phun sương trong thời tiết nóng bức.
Các nguồn năng lượng dùng để cung cấp cho “trạm lọc khí” này cũng có thể được tận dụng bằng năng lượng mặt trời. “Chúng tôi rất mừng vì thử nghiệm thành công và cho kết quả đánh khích lệ, cải thiện đáng kể nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí. Chúng tôi cũng hy vọng rằng, sáng kiến “xanh” này có thể mang lại lợi ích thực sự lớn lao cho xã hội, cũng như tạo cảm hứng cho cộng đồng để hướng tới tương lai xanh”, ông David Ng, Trợ lý điều hành Sino Group cho biết.