ThienNhien.Net – Ngay từ những năm 1980, Việt Nam đã xác định du lịch là ngành kinh tế, ngành công nghiệp không khói. Và sau hơn 30 năm, định nghĩa về một ngành kinh tế du lịch vẫn nóng trong dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập.
Ngành kinh tế không còn là tiềm năng
Sau 55 năm, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch trong nước ngày càng tăng với tốc độ cao. Nếu năm 2000, khách quốc tế đến Việt Nam là 2,14 triệu lượt người, đến năm 2013 là 7,57 triệu lượt người, tăng gấp 3,5 lần, tốc độ tăng bình quân là 11%/năm; khách nội địa năm 2000 là 11,2 triệu lượt người, đến năm 2013 là 35 triệu lượt người, tăng gấp 3,12 lần, tốc độ tăng bình quân 9%/năm.
Doanh thu từ du lịch ngày càng lớn, góp phần làm tăng thu nhập quốc dân. Nếu năm 2000, doanh thu từ du lịch tính theo giá thực tế là 17,4 ngàn tỷ đồng, đến năm 2014 là 230 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 13,2 lần, bình quân 18,76%/năm. Năm 2014 tổng thể ngành Du lịch Việt Nam đóng góp vào nền kinh tế 6% GDP.
Du lịch góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo. Giai đoạn 2000-2013, tốc độ gia tăng doanh thu từ du lịch bình quân hằng năm là 22,8%, trong khi tốc độ tăng GDP bình quân cùng giai đoạn của ngành nông nghiệp khoảng 3,64%, công nghiệp chế biến, chế tạo là 9,1%, xây dựng là 5,8%… điều đó có nghĩa là tỷ trọng đóng góp của ngành Du lịch trong GDP ngày càng tăng, cơ cấu kinh tế theo hướng chuyển dịch theo hướng tỷ trọng ngành dịch vụ ngày càng tăng.
Lực lượng lao động du lịch tăng tương đối nhanh cả về số lượng và chất lượng. Đến năm 2014, đã có gần 2 triệu lao động làm việc trực tiếp và gián tiếp trong ngành Du lịch, chiếm 3,8% tổng số lao động cả nước.
Ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, du lịch góp phần đáng kể trong tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo, nâng cao dân trí, tạo cơ hội cho người dân nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Du lịch cũng góp phần xây và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam năng động, thân thiện và hòa bình. Nếu trước đây, người ta biết đến Việt Nam như là một đất nước trải qua những cuộc chiến tranh để giành độc lập dân tộc, thì ngày nay, trong lòng bạn bè quốc tế, Việt Nam được biết đến như là một đất nước có nhiều danh thắng đặc sắc, có nền văn hóa lâu đời, con người hiếu khách và thân thiện. tất cả điều đó đã góp phần nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, đến thời điểm này du lịch vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và cũng chưa được đối xử như một ngành kinh tế mũi nhọn. So sánh với các nhóm hàng xuất khẩu như dệt may, điện tử dù có kim ngạch rất lớn nhưng chúng ta chỉ chen chân được khâu gia công sản xuất, lắp ráp. Toàn bộ các khâu còn lại trong chuỗi sản xuất như nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị đều nhập khẩu. Trong khi đó, du lịch là ngành xuất khẩu mà Việt Nam tham dự mọi khâu từ đầu đến cuối trong quy trình cung ứng.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, cho rằng hoàn toàn đúng khi coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn vì vai trò đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội, khai thác tiềm năng, tài nguyên thiên nhiên và phát triển bảo tồn văn hóa truyền thống. Từ những năm 1980 Việt Nam đã đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm du lịch khu vực nhưng đến nay chúng ta đã bị Thái Lan, Malaysia vượt qua.
Cần nhận thức khác với thông thường
Lăn lộn với ngành du lịch từ hơn 10 năm nay, khởi đầu nghề từ khi còn trẻ với nghề dướng dẫn viên du lịch, với anh Phạm Tiến Dũng (Công ty lữ hành Golden tour), những tồn tại của ngành du lịch như môi trường du lịch không an toàn, vệ sinh không đảm bảo, chính sách du lịch còn nhiều bất cập, sản phẩm du lịch nhàm chán đơn điệu, chất lượng nguồn nhân lực còn yếu và thiếu… không mới.
Thế nhưng để thay đổi điều này, cần có nhận thức mới về ngành kinh tế du lịch khác với thông thường. Theo đó, du lịch không tạo ra sản phẩm mà chỉ kết nối các sản phẩm dịch vụ giao thông vận chuyển, nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm, giải trí và giá trị cảnh quan, văn hóa của điểm đến thành một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh. Du lịch cũng không cung cấp nguồn nhân lực mà chỉ góp phần đào tạo và sử dụng lực lượng lao động địa phương.
“Lữ hành du lịch chỉ là chất keo kết nối các dịch vụ, sản phẩm, kết nối những con người và những miền đất. Vì thế nếu chất lượng của từng dịch vụ không tốt không phải lỗi của chúng tôi. Chúng tôi cũng rất muốn có lực lượng lao động chất lượng cao, giỏi ngoại ngữ, muốn có các khách sạn, nhà hàng đạt chuẩn, các khu vu lịch, vui chơi giải trí sạch sẽ, đẹp và văn minh để giới thiệu với du khách. Nhưng nếu khách của chúng tôi đi đâu cũng bị chặt chém, môi trường vệ sinh không đảm bảo, đường xá đi lại khó khăn, đắt đỏ thì lữ hành dù có cố gắng nỗ lực quảng bá, giới thiệu đến đâu, nói hay tới đâu cũng không thể xóa nổi khoảng cách với thực tế”, anh Dũng chia sẻ.
“Chúng tôi lâu nay vẫn tự vận động, tự bơi, và những thành tựu hiện nay đã chứng tỏ điều đó. Nhưng để phát triển mạnh hơn, lớn hơn thì chúng tôi đang gặp phải quá nhiều cái khó: Chính sách không nhất quán, chồng chéo lẫn nhau giữa các bộ ngành, địa phương không hề có sự quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp mà chỉ nhăm nhăm tăng giá vé và thu thuế”.
Câu chuyện trên là bức tranh thu nhỏ của ngành du lịch. Đơn độc, chưa được đặt đúng vị trí và chưa được đối xử tương xứng với vai trò, trách nhiệm. Vì thế không có gì ngạc nhiên nếu du lịch Việt Nam sau bao năm vẫn nói mãi 1 câu “Chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh”.
Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, ông Vũ Thế Bình đã từng nói rằng “du lịch là ngành kinh tế, vì thế hãy đối xử với du lịch như một ngành kinh tế” để nhìn nhận, đánh giá du lịch đúng bản chất, đặt nó vào đúng vị trí, vai trò, trách nhiệm thì du lịch thực sự phát triển như một ngành kinh tế mũi nhọn và đóng góp cho kinh tế – xã hội tương xứng.