ThienNhien.Net – Bị bồi lấp, lấn chiếm để dựng nhà, nuôi tôm trái phép đã làm cho đầm Ô Loan – di tích thắng cảnh cấp quốc gia ở Phú Yên – ngày càng teo tóp, ô nhiễm
Ông Trần Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết đang chỉ đạo huyện Tuy An và Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh phải giải quyết dứt điểm việc cắm mốc ranh giới đầm Ô Loan để di tích này không bị tiếp tục lấn chiếm, đồng thời kiên quyết xử lý những hộ lấn chiếm trái phép.
“Xẻ thịt” di tích
Ô Loan là đầm nước lợ có diện tích trên 1.200 ha và nổi tiếng với nhiều loại đặc sản. Tuy nhiên, mặt đầm hiện còn chưa đến 800 ha, nhiều loài hải sản đang bị đe dọa.
Lão ngư Năm Bụng (ngụ xóm Bến, xã An Hiệp, huyện Tuy An) đã chuyển từ nghề thả ống bắt hải sản trên đầm Ô Loan sang khâm liệm tử thi được nhiều năm. “Còn gì đâu mà thả ống? Người ta “xẻ thịt” đầm để nuôi tôm rồi xả thải gây ô nhiễm, cá tôm chết hết rồi” – ông Năm Bụng ngao ngán.
Theo lão ngư này, có đến hàng ngàn hồ tôm lấn đầm. Trong đó, phần nhiều và nguy hiểm nhất là hồ hở (đắp bờ đá hoặc khoanh lưới lấn ra đầm để nuôi tôm). Trước khi thả tôm nuôi, chủ hồ dùng các loại thuốc để giết chết tất cả thủy hải sản tự nhiên trong hồ nhằm tránh gây hại cho tôm. Sau đó, nước trong hồ này cùng thuốc diệt tạp thông ra đầm giết chết hải sản tự nhiên. Vì thế, vào vụ thả tôm nuôi, cá trong đầm thường chết trắng.
Ông Năm Bụng nhớ lại: “Trước đây, mỗi đêm thả ống cho cá vào trú, sáng ra thu được 30-40 kg cá mú là chuyện thường. Bây giờ, họa hoằn lắm, người dân sống ven đầm mới bắt được con cá mú nước lợ nhưng cũng chỉ bằng cổ tay. Nhiều loài đặc sản ở đầm như sò huyết, điệp, hàu lạch hay cua lửa tuyệt chủng lâu rồi”.
Trong khi đó, nhiều hộ dân sống ven đầm Ô Loan thuộc các xã An Hòa, An Hiệp, An Cư, An Hải, An Ninh lại lấn chiếm di tích này để xây nhà trái phép. Chỉ xã An Cư đã có trên 150 hộ xây nhà trái phép trên đầm. Bà Huỳnh Thị S. – một hộ lấn chiếm – biện minh: “Thấy nhiều người lấn chiếm trước không sao, tôi cũng lấn để cất nhà”.
Chất thải từ các hồ nuôi tôm và khu dân cư xây nhà trái phép đổ trực tiếp ra đầm Ô Loan, trong khi cửa thoát nước từ đây ra biển ở xã An Hải hẹp và cạn dần khiến đầm bị ô nhiễm nghiêm trọng. Không chỉ cá tôm, nhiều loại rong có lợi cho hải sản trong đầm cũng biến mất từ lâu. Đến mùa lũ, vôi từ các hồ tôm trôi ra làm cho đáy đầm dần chai cứng, nhiều loại hải sản không còn nơi cư trú.
Nhiều lão ngư cho biết so với trước đây, đáy đầm Ô Loan đã bị cạn hơn nửa mét. Ngư dân có thể đi từ bên này sang bên kia đầm mà không lo nước ngập đầu.
Lúng túng trong quản lý
Ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, cho rằng tỉnh đã phân cấp quản lý đầm Ô Loan cho huyện Tuy An, sở chỉ hỗ trợ. “Đầm Ô Loan gắn với mưu sinh hằng ngày của người dân ở đây nên khó xử lý. Nay chỉ có thể hạn chế lấn chiếm và gây ô nhiễm thôi, chứ giải quyết triệt để thì không dễ” – ông Bảy nhìn nhận.
Ông Nguyễn Phụng Ngoạn, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, lý giải: “Người dân lấn chiếm đầm từ mấy chục năm rồi nhưng chính quyền địa phương không giải quyết triệt để. Lúc đầu, họ xây nhà tạm rồi dần dần cơi nới thành nhà kiên cố. Huyện đã định xây khu tái định cư để di dời những hộ lấn chiếmđầm Ô Loan đến ở. Tuy nhiên, các hộ dân này chỉ có nghề đánh bắt hải sản trên đầm. Nếu xây khu tái định cư gần đầm thì không có đất, còn xa hơn thì đời sống của họ sẽ gặp khó khăn”.
Vừa thả giống tái tạo đã bị bắt sạchTheo ông Lê Quang Hiệp, Giám đốc Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản tỉnh Phú Yên, sò huyết đầm Ô Loan nổi tiếng là nhờ môi trường sống có nhiều loài vi tảo, khoáng chất… nên dày thịt, huyết nhiều. Trước tình trạng nhiều loài hải sản ở đây cạn kiệt, trong 2 năm 2012 và 2013, trung tâm đã thả nuôi tái tạo hàng chục vạn con giống sò huyết và hàu.
“Sò và hàu chưa kịp lớn thì đã bị bắt sạch. Do không hiệu quả, từ năm 2014 đến nay, trung tâm không thả giống tái tạo nữa. Lực lượng chức năng ở các địa phương phải tăng cường công tác quản lý đầm Ô Loan, chứ như thế là không được” – ông Hiệp bày tỏ. |