ThienNhien.Net – Nhằm đáp ứng nhu cầu đất san lấp mặt bằng cho dự án mở rộng quốc lộ 1A đoạn Bắc Giang – Lạng Sơn và các dự án khác, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã tự ý thương lượng với các hộ dân để đào xúc đất mang bán. Việc làm này không chỉ vi phạm nghiêm trọng Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường mà còn làm thất thu nguồn thuế lớn của Nhà nước.
Tại điểm khai thác đất trái phép thuộc thôn Khiêu, xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, cách quốc lộ 31 chưa đầy 1,5 km, từng đoàn xe vào “ăn đất” ùn ùn nối đuôi nhau ra vào mỏ, chủ yếu là loại xe lớn từ 10 đến 18 tấn, nhỏ nhất là loại bảy tấn. Một góc lớn của quả núi đã được san phẳng, ước chừng số lượng đất bị lấy đi tại khu vực này khoảng từ 50 đến 70.000 m3.
Qua điều tra chúng tôi được biết, ông chủ điều hành đoàn xe này là một người đàn ông, sinh sống tại huyện Lục Nam. Nắm bắt nhu cầu cần san ủi đất rừng của người dân để tạo mặt bằng làm vườn cây ăn quả cũng như ký được hợp đồng mua bán đất với nhà thầu mở rộng quốc lộ 1A, ông ta đã thương lượng với hàng chục hộ dân để mua lại hàng trăm nghìn m3 đất với giá khoảng 4.000 đồng/m3 rồi đưa máy xúc và hơn 20 xe tải vào khai thác. Tuy nhiên, việc người dân được giao quyền quản lý rừng tự ý bán đất để tạo mặt bằng là trái quy định của Nhà nước.
Hiện nay, tỉnh Bắc Giang đã cơ bản quy hoạch xong điểm mỏ để cấp quyền khai thác đất cho cá nhân, doanh nghiệp. Nhưng không có nhiều cá nhân, đơn vị đáp ứng đầy đủ các quy định để có thể được UBND tỉnh cấp quyền khai thác, nhất là các yêu cầu về bảo vệ môi trường, nộp thuế, phí bảo vệ môi trường, thuế thu nhập doanh nghiệp… Theo đó, mỗi khối đất được phép khai thác, Nhà nước sẽ thu từ ba đến năm nghìn đồng tiền thuế, phí, đó là chưa kể doanh nghiệp phải đầu tư trồng rừng, trả lại mặt bằng khai thác. Như vậy, chỉ tính riêng tại mỏ đất khai thác trái phép tại thôn Khiêu, Nhà nước đã thất thu hàng trăm triệu đồng tiền thuế. Với giá bán đất dao động từ 60 đến 70 nghìn đồng/m3 như hiện nay, các đối tượng khai thác mỗi ngày thu lợi bất chính hàng chục triệu đồng.
Chủ tịch UBND xã Phương Sơn Nguyễn Đích Nhâm cho biết, tình trạng khai thác đất trái phép tại thôn Khiêu diễn ra từ nhiều năm trước đây nhưng chỉ ở mức độ manh mún, nhỏ lẻ do người dân có nhu cầu san ủi mặt bằng để xây nhà, làm vườn. Chính quyền xã đã báo cáo lên huyện và kiểm tra xử phạt, yêu cầu các hộ dân vi phạm chấm dứt khai thác đất. Nhưng hiện nay lực lượng mỏng, thẩm quyền xử phạt thấp, hiện tượng khai thác đất trái phép diễn ra phức tạp, cho nên chính quyền xã khó có thể xử lý dứt điểm.
Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lục Nam Vũ Trí Học cho rằng, hiện nay nhu cầu sử dụng đất để san nền trên địa bàn huyện là rất lớn, trong khi đó việc quy hoạch và cấp phép khai thác đất rất chậm và khó khăn. Hiện tượng khai thác đất để san nền diễn ra ở nhiều nơi trong huyện. Đối với nạn khai thác trái phép ở thôn Khiêu, các ngành chức năng của huyện đã phối hợp cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường xuống kiểm tra, xử phạt hành chính và yêu cầu dừng khai thác, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.
Không chỉ ở một số xã của huyện Lục Nam, mà ở các xã Tiền Phong, Tân Tiến (huyện Yên Dũng); xã Xương Lâm (huyện Lạng Giang) và nhiều địa điểm khác trong tỉnh Bắc Giang vẫn đang diễn ra tình trạng khai thác đất trái phép, hiện trường là những quả núi bị “gặm” nham nhở và mỗi khi có hợp đồng san lấp mặt bằng là các đối tượng lại khai thác. Nếu bị các lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt, các đối tượng tạm dừng hoạt động cho tới khi “thấy yên tĩnh” lại tiếp tục khai khác, có đối tượng nộp phạt nhưng vẫn duy trì khai thác, vì mức phạt hành chính không đủ sức răn đe.
Từ đầu năm đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang đã xử phạt 25 trường hợp khai thác đất trái phép với số tiền gần 350 triệu đồng. Tuy nhiên, biện pháp xử phạt hành chính theo kiểu “phạt cái ngọn”, phạt xong rồi bỏ đấy đã không có tác dụng đối với các đối tượng vi phạm. Đề nghị tỉnh Bắc Giang và các cấp chính quyền cần mạnh tay xử lý để sớm chấm dứt tình trạng khai thác đất ngang nhiên trái phép như hiện nay.