ThienNhien.Net – Triển khai dự án mới là bước khởi đầu cho một tương lai tươi sáng, bền vững, khẳng định uy tín của một Việt kiều trên đất Mỹ.
Công ty California Waste Solutions (CWS) của ông David Duong ở Mỹ đã chính thức thực hiện hợp đồng trị giá hơn 1 tỉ USD để thu gom và xử lý toàn bộ rác tái chế của TP Oakland, bang California, Mỹ trong 20 năm.
Chặng đường mới đầy thành công
Ngày 1/7, 70 chiếc xe mới tinh trong tổng số 90 chiếc vừa đầu tư của CWS chính thức lăn bánh quanh TP Oakland, ra quân thực hiện thu gom rác theo hợp đồng mới với số lượng thu gom khoảng 270 tấn rác/ngày. Dự kiến trong thời gian tới con số này có thể tăng lên đến 550-600 tấn/ngày. Được biết đây đều là những xe tải mới được công ty đầu tư hàng triệu USD, sử dụng khí thiên nhiên (CNG), sạch sẽ, bảo vệ môi trường. Khả năng giảm tiếng ồn, giảm ô nhiễm của các phương tiện giúp đảm bảo công việc đạt hiệu quả nhưng vẫn không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Trong không khí vui mừng của ngày đầu ra quân thành công, ban lãnh đạo CWS đã có mặt ở các tuyến đường để cùng đội ngũ nhân viên chào đón ngày mới đầy may mắn và thành công. Ông David Duong, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CWS, xúc động nói: “Tôi thật sự vui mừng khi thấy anh em bắt đầu làm việc trong tinh thần hăng say, hứng khởi. Bản thân tôi và toàn bộ anh em trong công ty đều xem đó là những thành quả sau những ngày tháng cố gắng làm việc để nhận được hợp đồng. Bởi điều này cũng thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc cung cấp cho mỗi gia đình dịch vụ đẳng cấp thế giới với chi phí thấp nhất có thể. Đồng thời, công ty sẽ tiếp tục truyền thống của mình trong việc mở rộng kết nối với các nhóm cộng đồng và khu phố để thúc đẩy tái chế, đảm bảo môi trường bền vững. Lực lượng nhân viên của công ty được tuyển dụng và chọn lựa để mỗi người sẽ là đại diện xuất sắc cho việc sản xuất, dịch vụ có hiệu quả”.
Nói về việc hợp tác, nâng cao ý thức người dân trong việc tái chế chất thải, ông cho biết thêm: “Chúng tôi cũng đã làm việc với các trường học, nhóm cộng đồng, tổ chức để giúp đỡ, giáo dục họ về những lợi ích to lớn đối với môi trường của việc tái chế và cách tái chế một cách đúng đắn”.
Tại CWS, 60% nhân viên đang làm việc đều là người dân Oakland. Vì vậy hòa chung không khí vui mừng với CWS, bà Libby Schaaf, Thị trưởng TP Oakland, nói: “Người dân chúng tôi cảm thấy đó là một điều tuyệt vời khi bản thân họ đã trở thành một phần có ích trong việc giảm biến đổi khí hậu, cứu hành tinh, điều đó cũng làm cho đường phố chúng ta trở nên đẹp hơn”.
Được biết CWS sẽ thực hiện thu gom rác có thể tái chế như thủy tinh, nhôm, kim loại, nhựa, giấy, giấy in báo, pin dùng trong gia đình… Công ty có hai nhà máy tái chế được xây dựng năm 1991 và 2005 với công suất dư tải so với nhu cầu, khoảng 1.800 đến 2.000 tấn/ngày. Hiện CWS đang vận hành dự án mới để xây dựng nhà máy tái chế công suất 10.000 tấn/ngày với tổng giá trị đầu tư khoảng 87 triệu USD.
Tiếp tục đầu tư tại Việt Nam
Trải qua những ngày tháng lập nghiệp nơi xứ người và đạt thành công, đó là câu chuyện cổ tích có thực của gia đình ông David Duong. Nhưng dù có đi đâu, làm gì, ông luôn nhớ về quê hương, nơi mình sinh ra và lớn lên. Đã có lần ông tâm sự rằng: “Tôi luôn có niềm khát khao được đóng góp một cái gì đó cho quê hương, đất nước Việt Nam. Không chỉ riêng tôi mà tôi tin rằng rất nhiều người gốc Việt đang định cư trên toàn thế giới đều có mong muốn như vậy. Bản chất của người Việt Nam mình vốn rất yêu quê hương, luôn hướng về đất nước. Cho dù họ có ở khắp nơi trên toàn thế giới hay ngay tại Việt Nam thì đều mong muốn được cống hiến những điều tốt đẹp nhất cho đất nước mình”.
Tình yêu ấy không chỉ thể hiện bằng lời mà còn là những dự án thực tế với số tiền đầu tư rất lớn tại Việt Nam. Hiện tại David Duong là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) với Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP.HCM) và Khu công nghệ Môi trường xanh (Long An). Nhân dịp báo tin mừng về ngày ra quân thành công tại Oakland, mới đây ông đã có những chia sẻ thẳng thắn về công nghệ đốt rác cũng như các dự án trong tương lai tại Việt Nam thông qua cầu phỏng vấn trực tuyến.
Thưa ông, một số thông tin dư luận cho rằng công nghệ đốt rác hiệu quả hơn chôn lấp trong khi đó chi phí cũng gần bằng nhau. Xin ông hãy chia sẻ thêm nhận định của mình về vấn đề này?
– Đúng là đốt rác hiệu quả hơn chôn lấp, ở một số nước trong đó có Hoa Kỳ cũng áp dụng công nghệ đốt rác nhưng với yêu cầu lượng rác cung cấp phải trên 2.000 tấn/ngày mới có thể thực hiện được bởi tỉ suất đầu tư rất lớn, khoảng 600 triệu USD/nhà máy. Trong khi đó, sản xuất điện từ đốt rác là rất cần thiết nhưng tỉ suất giá thành, nguồn vốn, lãi suất cao nhưng công suất điện lại không cao. Một vấn đề nữa là nếu dự án, công nghệ đốt không được đầu tư có căn cơ, bài bản thì việc ô nhiễm do khói, tro bụi là hoàn toàn có thể xảy ra. Như vậy vô hình chung chúng ta đã gây hại đến môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Thực tế ở Việt Nam, mặc dù cơ quan chức năng liên tục thực hiện thí điểm nhưng chúng ta vẫn chưa hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn. Các loại rác thải đều là rác hỗn hợp nhiều thành phần. Vì thế nếu đốt sẽ là rất nguy hiểm cho môi trường. Chúng tôi đang xem xét về việc đầu tư nhà máy đốt rác khi các điều kiện cần thiết chín muồi, chẳng hạn về số lượng, chất lượng rác đạt yêu cầu và nhất là nguồn vốn. Để có một nhà máy đốt rác từ 200 đến 300 tấn/ngày, chúng ta cần vốn đầu tư khoảng 30 triệu USD. Dự kiến chi phí đốt rác vào khoảng 30 USD/tấn, nếu có chính sách hỗ trợ cũng như giá bán điện tốt thì chi phí đốt rác sẽ được kéo xuống.
Vậy nếu so sánh về giá thì theo ông là như thế nào?
– Vấn đề này rất khó khẳng định vì để quyết định mức giá thành chúng ta căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó vốn đầu tư và công nghệ là hai trong số những chỉ tiêu quan trọng nhất. Tại Đa Phước, trong thời gian tới, nếu đóng bãi thì VWS vẫn tiếp tục gánh vác công việc của mình trong việc “hậu xử lý khi chôn lấp rác”. Phần chi phí này là chưa thể tính đến bởi nó còn thể hiện trách nhiệm của chúng tôi với cộng đồng, với địa phương.
Đầu năm 2015, VWS muốn nâng công suất xử lý rác ở Đa Phước lên 10.000 tấn/ngày. Có thông tin cho rằng điều này sẽ dẫn đến tình trạng độc quyền, cảm nghĩ của ông như thế nào?
– Ở Hoa Kỳ, chính quyền các TP luôn giao một công ty xử lý rác duy nhất với thời hạn từ 10 đến 20 năm hoặc có thể làm vĩnh viễn. Các công ty này đều bị giám sát thường xuyên bằng những tiêu chí rất rõ ràng, nếu vi phạm, gây ô nhiễm sẽ bị rút giấy phép hoạt động tức thì.
Ở TP.HCM, VWS không độc quyền. Thời gian qua TP.HCM đã cấp phép cho nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xử lý rác thải. Và hiện tại bên cạnh VWS, một số doanh nghiệp khác cũng đang xử lý rác thải cho TP.HCM. Tôi cảm thấy mãn nguyện khi những dự án của CWS và VWS đã góp phần cải tạo, mang lại môi trường sống xanh, sạch đẹp cho người dân ở cả hai quốc gia.
Xin cám ơn ông!