ThienNhien.Net – Ngày 8/7, tại thành phố Sóc Trăng, Bộ Tài Nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức công bố và triển khai Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Ông Vũ sỹ Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã Công bố Quyết định 2295/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 17/12/2014 phê duyệt Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm triển khai phương thức quản lý mới là “quản lý tổng hợp”, đã được luật hóa trong Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo mới được Quốc hội thông qua.
Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020 sẽ được mở rộng phạm vi triển khai theo phương thức quản lý mới này từ 14 tỉnh, thành ven biển thuộc Chương trình 158 (Quản lý tổng hợp dải ven biển vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ) ra toàn bộ 28 tỉnh, thành phố ven biển của Việt Nam.
Với mục tiêu chung là khai thác, sử dụng hợp lý các tài nguyên và bảo vệ môi trường đới bờ Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội bền vững, Chiến lược được xây dựng dựa trên các quan điểm mới gồm tôn trọng các quy luật tự nhiên, thân thiện với môi trường, khuyến khích phát triển kinh tế phù hợp với đặc thù sinh thái từng vùng, đồng thời có tính đến khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và được thực hiện thống nhất trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương, kết hợp phát huy vai trò của cộng đồng, các tổ chức xã hội và hợp tác với các nước trong khu vực, trên thế giới cùng phối hợp thực hiện.
Thay mặt GIZ, tiến sỹ Christian Henckes, Giám đốc Chương trình quản lý tổng hợp vùng ven biển GIZ-ICMP tại Việt Nam đánh giá cao sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành Trung ương và địa phương trong thực tiễn quản lý tổng hợp đới bờ thông qua các dự án đã được GIZ hỗ trợ triển khai tại một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua.
Theo ông Christian Henckes, trong thời gian tới, Chính phủ Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ven biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thông qua việc tăng cường phối hợp với các bộ, cơ quan, ban ngành, địa phương xây dựng hàng rào chắn sóng, phục hồi bãi bồi và rừng ngập mặn.
Bên cạnh đó, Chính phủ Đức cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn tài chính quốc tế để triển khai các dự án về quản lý tổng hợp đới bờ có lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu…
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, Chu Phạm Ngọc Hiển, hội nghị lần này được xem như hoạt động khởi động cho việc thực hiện đồng bộ Chiến lược ở cả cấp Trung ương và địa phương nhằm góp phần phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh sinh thái-môi trường biển và đới bờ của Việt Nam.
Đây cũng là dịp để các bộ, ngành, địa phương cùng nhau xem xét, đề xuất cho dự thảo khung kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược giai đoạn 2015-2020, cũng như chia sẻ những thực hành tốt, những kinh nghiệm của các tỉnh, thành ven biển Bắc, Trung bộ về quản lý tổng hợp đới bờ ở Việt Nam…
Các đại biểu sẽ tham quan thực địa tại ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉn Sóc Trăng nơi có mô hình nhóm đồng quản lý cùng bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ ven biển do GIZ triển khai có hiệu quả; tham quan điểm nuôi ốc len của nhóm đồng quản lý và trao đổi kinh nghiệm thực hiện Dự án bảo vệ những vùng đất ngập nước ven biển Sóc Trăng đã thực hiện trong những năm gần đây.