ThienNhien.Net – Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND thành phố Hà Nội diễn ra ngày 7-7 tập trung vào các nhóm vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm như quy hoạch và quản lý đô thị; nông nghiệp, nông thôn; môi trường, nước sạch… Thông qua các câu hỏi chất vấn, tái chất vấn, các đại biểu yêu cầu UBND thành phố, các sở, ngành làm rõ trách nhiệm, giải pháp, cũng như lộ trình khắc phục những mặt hạn chế của các vấn đề nêu trên.
Thiếu nghiêm trọng sân chơi cho trẻ em
Là một đô thị có tốc độ phát triển nhanh, dân số hiện đã vượt ngưỡng 7,2 triệu người, TP Hà Nội đang chịu nhiều áp lực về hạ tầng đô thị. Bức xúc trước thực trạng thiếu sân chơi cho trẻ em, nhưng tại nhiều nơi lại đang trong tình trạng sử dụng sai mục đích hoặc bị chiếm dụng, nhiều đại biểu HĐND thành phố đã yêu cầu các sở, ngành sớm có biện pháp khắc phục.
Trả lời về vấn đề nêu trên, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, toàn thành phố hiện có khoảng 200 điểm vườn hoa, sân chơi công cộng, trong đó bốn quận nội thành: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng có 29 điểm (chưa kể các điểm sinh hoạt cộng đồng và sân chơi tại các khu chung cư, khu tập thể cũ). Việc chỉ đạo đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa đã được thành phố quan tâm, tuy nhiên nhu cầu khu vui chơi riêng cho trẻ em chưa đáp ứng đủ yêu cầu về số lượng, chất lượng. Mặc dù sân chơi cho trẻ em đang thiếu so với nhu cầu sử dụng và theo tiêu chuẩn xây dựng nhưng nhiều sân chơi lại bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích. Điển hình như sân chơi tại các khu tập thể Kim Liên, Trung Tự (quận Đống Đa), Thanh Xuân (quận Thanh Xuân), Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), tập thể ở Đội Cấn (quận Ba Đình)… bị lấn chiếm làm bãi để xe, chợ cóc, hàng quán… Bên cạnh đó, mục tiêu đến năm 2015 có 45% số khu đô thị mới, quận, huyện, thị xã có sân chơi, vườn hoa cũng chưa thực hiện được do nhiều dự án bị chậm triển khai.
Chỉ rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền trong việc buông lỏng quản lý để các khu vui chơi bị lấn chiếm, đại biểu Nguyễn Hoài Nam- Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội đề nghị làm rõ các giải pháp để khắc phục. Theo Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Nguyễn Thế Hùng, do thiếu quỹ đất, thành phố đang gặp khó khăn khi xây dựng sân chơi trẻ em khu vực nội đô. UBND thành phố đã chỉ đạo các cấp chính quyền, các ngành rà soát, tham mưu để có giải pháp tổng thể, phấn đấu mỗi phường bố trí tổ chức sân chơi riêng cho trẻ em, nơi nào thiếu quỹ đất thì kết hợp với các loại hình sinh hoạt văn hóa để tạo điều kiện cho trẻ em có nơi vui chơi. Với những trường hợp sử dụng đất sai mục đích, sai phép, thành phố sẽ thu hồi để ưu tiên phục vụ các công trình công cộng, khu vui chơi trẻ em.
Nước sạch nông thôn chậm do thiếu vốn
Lo lắng về tiến độ thực hiện dự án cung cấp 40 nghìn thiết bị xử lý nước cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo tại các khu vực có nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng và chưa đủ điều kiện xây dựng công trình cấp nước sạch trước năm 2020 bị chậm, các đại biểu HĐND thành phố đề nghị giải trình rõ vấn đề này.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Xuân Việt cho biết, thành phố đã phê duyệt dự án này, trong giai đoạn 2012 – 2013 đã cung cấp được 10 nghìn thiết bị, nhưng tới giai đoạn 2014 – 2015 do không bố trí được vốn cho nên 30 nghìn bộ lọc còn lại vẫn chưa tới các hộ dân. Nếu thành phố bố trí được vốn, nhiều khả năng dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2016. Với việc cung cấp nước sạch cho các khu vực bị ô nhiễm, thành phố đã có chỉ đạo đầu tư xây dựng sáu trạm nước sạch liên xã cho sáu khu vực được xác định là ô nhiễm nặng và dự kiến đầu tư từ nguồn ngân sách thành phố. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về nguồn vốn cho nên dự án vẫn đang trong quá trình triển khai.
Không đồng tình với giải trình các công trình nước sạch nông thôn bị chậm do thiếu vốn của lãnh đạo thành phố, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Phó Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND thành phố) cho biết, nước sạch là một trong những công trình trọng điểm và luôn được thành phố ưu tiên bố trí vốn đối ứng. Song, qua thực tế giám sát cho thấy, tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước sạch ở Hà Nội hiện thấp hơn nhiều địa phương. Đại biểu băn khoăn, với tiến độ hiện nay, mục tiêu đến hết năm 2015 thành phố phải đạt tỷ lệ 40% số dân cư nông thôn được thụ hưởng nước sạch sẽ khó thực hiện. Trái với lo lắng của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Xuân Việt cho biết, tính tới hết năm 2014, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch là 36,68%, chính vì vậy mục tiêu 40% là hoàn toàn có thể thực hiện được. Theo đồng chí Việt, mỗi công trình nước sạch liên xã sẽ tiêu tốn từ 70 đến 120 tỷ đồng, chính vì vậy việc xã hội hóa là rất cần thiết để chia sẻ gánh nặng cho ngân sách thành phố. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này vì khó thu hồi vốn do tỷ lệ các hộ dùng nước sạch ở nông thôn còn thấp, người dân vẫn phụ thuộc vào nước giếng khoan, nước mưa…
Ngoài ra, các nội dung liên quan giáo dục như công tác tuyển sinh lớp học đầu cấp THCS không qua thi tuyển, nợ đọng xây dựng cơ bản, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn cũng đã được đưa ra chất vấn. Đi thẳng vào những vấn đề, các câu hỏi và trả lời trong phiên chất vấn đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề cử tri quan tâm. Tuy nhiên, theo đánh giá của các cử tri, nếu như các câu hỏi của đại biểu ngắn gọn hơn và phần trả lời của các sở, ngành, đại diện lãnh đạo thành phố cụ thể, rõ ràng hơn về giải pháp, thời gian thực hiện thì phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ thành công hơn.