ThienNhien.Net – “Giá dầu thô đang tiếp tục giảm mạnh, hiện đã xuống dưới 60 USD/thùng nên chúng ta cần cân nhắc việc tăng khai thác dầu thô để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay!”.
Đây là khuyến nghị của các chuyên gia kinh tế trước đề xuất của các bộ ngành với Chính phủ tăng khai thác dầu thô để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm trong nước) 6,2% trong năm nay.
Chỉ mang tính “chữa cháy”…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh vừa cho biết, phải tăng khai thác dầu thô 6 tháng cuối năm nay mới đạt mục tiêu tăng trưởng 6,2% năm 2015. Còn Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng thì nhìn nhận: “Nếu giữ sản lượng khai thác dầu thô như kế hoạch cũ thì ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng 6,2%. Chúng tôi động viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam căn cứ khả năng thực tế để khai thác thêm nhiều hơn con số 1 triệu tấn”.
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế đều tỏ ra thận trọng trước đề xuất này. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, đề xuất trên của các bộ ngành mới chỉ mang tính “chữa cháy”. Theo ông Phong, lý do để các bộ kiến nghị tăng khai thác dầu do sức ép phải đạt được chỉ tiêu tăng GDP năm nay là 6,2% mà Chính phủ giao và thứ nữa là để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. “Trong bối cảnh giá dầu giảm, các nguồn thu đang bị giảm mạnh thì họ phải tìm mọi cách để tăng thu. Tăng thu từ tăng sản lượng của những sản phẩm đem lại nguồn thu lớn như dầu thô có lẽ là cách làm dễ nhất hiện nay”- ông Phong nói.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng nêu quan điểm rằng, GDP 6 tháng đầu năm nay tăng cao nhưng chưa có lý do gì để coi đó là thành tựu kinh tế toàn diện. Bởi GDP tăng vẫn phụ thuộc chủ yếu vào khai thác các tài nguyên như dầu thô, than… “Trong bối cảnh giá dầu thô giảm mạnh như vậy mà chúng ta vẫn muốn tăng khai thác dầu lên nữa để đạt tăng trưởng là quá lãng phí tài nguyên” – ông Doanh nhấn mạnh.
Cần khơi thông nguồn lực trong nước!
Ông Nguyễn Minh Phong thẳng thắn cho rằng, Việt Nam nên để dành dầu thô chứ không nên khai thác quá mức khi giá dầu vẫn trong bối cảnh giảm. Thay vào đó, chúng ta cũng không nên đặt nặng chỉ tiêu tăng trưởng GDP phải lên cao trong năm nay. “Ổn định kinh tế vĩ mô mà Chính phủ đã thực hiện thành công bao năm nay là tiền đề tốt nhất để tạo ra tăng trưởng hơn là chạy theo một con số tăng trưởng nào đó”- ông Phong nói. Và đi kèm với đó, theo ông Phong là chúng ta cần khuyến khích, khơi thông các nguồn lực trong nước để tăng trưởng bền vững thông qua các chính sách thuế, đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh…
Chuyên gia kinh tế Phạm Minh Thụy cũng cho rằng, đã đến lúc cần có giải pháp bền vững hơn cho tăng trưởng kinh tế từ nay tới cuối năm và cả các năm sau. “Chúng ta cần một cách tăng trưởng tiến bộ chứ không phải là dễ dàng khai thác tài nguyên. Muốn vậy, mọi nguồn lực trong nước cần phải được huy động trong bối cảnh giá đầu vào của nền kinh tế đang được hỗ trợ bởi giá dầu giảm”- ông Thụy nhìn nhận.
Những vấn đề nổi cộm cản trở tăng trưởng kinh tế hiện nay, theo các chuyên gia chính là khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước chưa được tận dụng và tạo điều kiện bứt phá. Ông Lê Đăng Doanh cho biết, 6 tháng đầu năm nay vẫn có tới hơn 27.000 doanh nghiệp giải thể, phá sản; các doanh nghiệp báo cáo lãi cũng rất ít thì nội lực nền kinh tế vẫn chưa được cải thiện.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cũng nêu rằng, để tăng trưởng nền kinh tế một cách “tiến bộ” và không chỉ dựa vào khai thác tài nguyên như hiện nay thì những khu vực nhạy cảm như nông nghiệp, kinh tế hộ gia đình cần phải được các bộ tính đến và gấp rút tháo gỡ khó khăn.
Ông Thắng cho biết, hộ gia đình kinh doanh chiếm tới 33,1% GDP nhưng đóng góp cho ngân sách chỉ 2% là rất đáng lo ngại. Hay nông nghiệp đang báo động tình trạng khó khăn từ sản xuất tới tiêu thụ… Điều này cho thấy các khu vực này đang bị kìm hãm, không thể phát triển được.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh: “Phải tăng khai thác dầu thô 6 tháng cuối năm nay mới đạt mục tiêu tăng trưởng 6,2% năm 2015”.Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: “Giá dầu thô đang giảm mạnh như vậy mà chúng ta vẫn muốn tăng khai thác lên nữa là lãng phí tài nguyên”. |