Bài 1: Vô tư thải nước bẩn ra môi trường
ThienNhien.Net – Sau hàng chục năm đưa vào hoạt động, hiện nhiều công trình xử lý nước thải (XLNT), nhất là các công trình XLNT sinh hoạt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã bắt đầu xuống cấp và quá tải. Đi đôi với đó là công nghệ xử lý lạc hậu nên có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường rất lớn, cần phải có những sự thay đổi đáng kể về quy mô các trạm, công nghệ để giải quyết hiệu quả vấn đề.
Sông, hồ ô nhiễm
Những ngày cuối tháng 6, hiện tượng cá chết và nổi rải rác trong hồ điều tiết 2 ha (Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) làm nhiều người dân lo lắng về mức độ ô nhiễm ở hồ này. Ông Trần Văn Bảy, một người thường xuyên câu cá ở khu vực hồ cho hay, mấy ngày gần đây cá chết nổi lềnh bềnh, tuy số lượng không nhiều nhưng cũng ảnh hưởng đến đời sống của những hộ ven hồ. Trước thực trạng này, ngày 25-6, đơn vị chủ quản là Cty thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng đã phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức vớt cá chết và phun hóa chất xử lý môi trường. Ngày 28-6, khi trực tiếp đến tìm hiểu tại khu vực này chúng tôi nhận thấy còn vài trường hợp cá chết nổi trên mặt nước nhưng đã thối rữa, đồng thời có nhiều bè hoa chuối trên mặt để tạo cảnh quan và tăng lượng ô xi trong nước.
Theo người dân xung quanh hồ phản ánh, tình trạng cá chết nổi trên hồ thường xuyên diễn ra sau các đợt nắng nóng có mưa dông. Cách đây khoảng 1 tháng, hiện tượng cá chết nổi trắng sông Phú Lộc cũng xảy ra và nguyên nhân thì chắc không ai là không biết đó là do sông Phú Lộc ô nhiễm. Đây chính là một trong những điểm nóng môi trường được thành phố Đà Nẵng quan tâm đầu tư, cải tạo và được xem là một trong những công trình trọng điểm trong năm 2015.
Theo khảo sát của chúng tôi tại các hồ Thạc Gián, Vĩnh Trung, Trung Nghĩa; các tuyến kênh Khuê Trung, Yên Thế-Bắc Sơn… thì tình hình có đỡ hơn, tuy nhiên tại khu vực hồ công viên 29-3, miệng cống ở phía đường Nguyễn Tri Phương-Nguyễn Văn Linh vẫn bốc mùi hôi thối vào các buổi chiều, tuy nhiên do trời nắng nóng nên nhiều người dân vẫn đến đây nghỉ ngơi, hóng mát sau giờ lao động. Ở khu vực gần hồ Khuê Trung (Q. Cẩm Lệ) cũng bốc mùi hôi thối khó chịu khi có nắng lên…
Để xử lý dứt điểm ô nhiễm ở khu vực này cũng đã có đề nghị xây dựng tuyến kênh hở thành tuyến cống ngầm nhưng kinh phí dự tính lên tới 140 tỷ đồng, qua nghiên cứu phía Cty thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng đề xuất xây dựng một trạm bơm tại khu vực này với kinh phí khoảng 3 tỷ đồng để làm lưu thông dòng chảy, giảm bớt mùi hôi. Đoạn cuối của kênh Khe Cạn đổ ra sông Phú Lộc (Q. Thanh Khê) cũng có hơn 20 hộ làm bún, đậu phụ thường xuyên xả nước thải trực tiếp ra môi trường lâu ngày và tích tụ lại tạo mùi hôi rất khó chịu…
Nước thải tiếp tục tràn ra biển
Một trong những thách thức khác đối với Đà Nẵng trong việc xử lý nước thải đó là các miệng cống thoát nước (chủ yếu nước mưa) vẫn còn tràn ra biển. Trong những ngày qua, chúng tôi đã có các cuộc khảo sát dọc các tuyến biển Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp-Trường Sa; Thuận Phước-Liên Chiểu và nhận thấy một điều là vẫn còn nhiều miệng cống đưa nước thải trực tiếp ra các bãi biển mặc dù số lượng người dân và du khách tắm biển rất đông. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mỹ quan đô thị và môi trường du lịch của thành phố nếu không được xử lý dứt điểm trong tương lai gần.
Hiện trên tuyến biển Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp-Trường Sa có 16 cửa xả trong đó chủ yếu là dùng để thu gom nước mưa xử lý, tuy nhiên vẫn diễn ra tình trạng ô nhiễm là do các trạm bơm dọc tuyến này đang quá tải, sau mỗi cơn mưa, nước thải tràn ra biển, cuốn theo đất cát bốc mùi hôi thối cho người dân và du khách tắm biển. Để giải quyết vấn đề này, Cty dùng giải pháp tạm thời là gạt lại cát để tạo cảnh quan, phun hóa chất khử mùi tại một số vị trí. Còn về lâu dài, Cty đã nghiên cứu và áp dụng hệ thống van lật để giữ nước thải, ngăn mùi bay ra, ngăn không cho nước thải tràn ra biển và ngăn cát từ biển vào lấp cửa xả. Tuy nhiên đến nay cũng mới chỉ áp dụng được tại 3 cửa, ban đầu đã phát huy hiệu quả. Cty cũng đang đề nghị thành phố cho áp dụng van lật tại các cửa xả còn lại nhưng thành phố chỉ mới đồng ý thêm 1 cửa… Đối với tuyến biển Thuận Phước-Liên Chiểu hiện có đến 29 cửa xả nước mưa ra biển và chưa có sự khắc phục nào đáng kể.
Ông Mai Mã-Giám đốc Cty thoát nước và XLNT Đà Nẵng cho biết, hiện TP có 4 trạm XLNT dân sinh gồm trạm Phú Lộc (đổ ra biển Nguyễn Tất Thành ), Sơn Trà (đổ ra Âu thuyền Thọ Quang), Ngũ Hành Sơn (đổ ra sông Cổ Cò) và Hòa Cường (đổ ra khu vực Đò Xu-Cầu Hòa Xuân) với tổng công suất xử lý khoảng 100.000m3/ngày đêm tuy nhiên hiện nay hầu hết các trạm này đều trong tình trạng quá tải. Để giảm thiểu ô nhiễm ở các trạm này, Cty đã xây dựng các tuyến ống ngầm đề dẫn nguồn nước đã xử lý ra môi trường đồng thời tiếp tục đề xuất Sở Tài nguyên và môi trường (TNMT) cho xử lý bằng chế phẩm xử lý mùi ngay trước khi đưa nước ra môi trường. Đối với việc xử lý bọt tại các miệng đầu ra của các trạm, Cty đã áp dụng biện pháp xử lý tại nhà máy bằng các chất kháng bọt để giảm bọt phát tán ra môi trường.
Đặc biệt tại trạm xử lý nước thải Phú Lộc, ngoài việc xử lý mùi tại hố ga trong nhà máy thì ngay ở cửa xả đoạn cầu Phú Lộc, đơn vị vừa hoàn thành nhà phủ bằng vải địa kỹ thuật, bố trí 21m2 phun sương để phun giảm mùi, đồng thời bố trí cán bộ kỹ thuật trực thường xuyên tại khu vực cửa xả để xử lý khi có mùi phát sinh… Về lâu dài, TP đã đồng ý chủ trương đầu tư nâng cấp giai đoạn 2 để xử lý nước thải bằng nguồn vốn từ dự án phát triển bền vững TP và hiện đơn vị đang tiến hành cải tạo và nâng cấp công nghệ của trạm này, dự tính đến khoảng giữa tháng 6-2016 sẽ xong. Hiện thành phố cũng đang triển khai xây dựng Trạm XLNT Sơn Trà với công suất hơn 20.000m3/ngày đêm để thay thế Trạm XLNT Khu dịch vụ thủy sản Thọ Quang và dự tính trong năm 2016 sẽ đưa vào hoạt động. “Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2015, đơn vị đã tiến hành xử lý hơn 100 sự cố môi trường, trong đó có hơn 50 trường hợp sập đanh lề đường gây xì nước thải ảnh hưởng đến khu dân cư”-ông Mã cho biết thêm.
(Còn nữa)