ThienNhien.Net – Tình hình vi phạm pháp luật môi trường đang tỉ lệ thuận với mức độ phát triển kinh tế, để lại những hậu quả khôn lường tới sức khỏe…
Tình hình vi phạm pháp luật môi trường đang tỉ lệ thuận với mức độ phát triển kinh tế, để lại những hậu quả khôn lường tới sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhân dân. Các vi phạm pháp luật môi trường gây ra vô vàn hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội nhưng trách nhiệm hình sự áp dụng cho các hành vi đó lại quá ít, khiến cho các hành vi vi phạm ngày một tinh vi…
Luật vẫn “hiền”
Nói về việc xử lý tội phạm môi trường, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã cho rằng: “Tội phạm hình sự cướp của, giết người sẽ bị tử hình nhưng tội phạm trong lĩnh vực môi trường giết cả thế hệ chỉ phạt 500 triệu đồng là xong. Chính vì vậy mà tội phạm môi trường ngày càng nhiều”.
Nhìn lại nhiều năm thi hành Bộ luật Hình sự cho thấy, việc xử lý tội phạm môi trường còn hết sức khó khăn, ồn ào nhất trong lịch sử về môi trường có lẽ là sự kiện của Công ty Vedan. Theo ước tính, Vedan có thể xả nước thải ra sông Thị Vải tới 5.000m3/ngày. Và việc xả thải vô tội vạ này đã diễn ra từ năm 1994, khi Vedan mới bắt đầu hoạt động. Sau nhiều lần thanh kiểm tra, thương thảo, dư luận tốn không ít thời gian, công sức cho vụ việc này, cuối cùng Vedan mới chịu phạt hơn 200 triệu đồng và bị truy thu trên 120 tỷ phí bảo vệ môi trường – một kết thúc mà nhiều người đã dự báo trước. Hành vi nguy hiểm thì đã rõ nhưng cuối cùng cũng chỉ dừng lại ở xử lý hành chính.
Theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, mỗi năm toàn lực lượng phát hiện khoảng 5-6 ngàn vụ vi phạm pháp luật về môi trường, tuy nhiên việc xử lý hình sự chỉ dừng lại ở con số hơn trăm, thậm chí có năm chỉ là hàng chục. Ngoài lý do tội phạm về môi trường ngày càng tinh vi, khó phát hiện thì việc không thể xử lý hình sự theo nhận định của nhiều chuyên gia là do chính các quy định của pháp luật.
Những cái “khó” cần được xem xét
Đối tượng bị xâm hại trực tiếp của loại tội phạm này chính là môi trường tự nhiên và môi trường sinh thái. Tuy nhiên, trong số các hậu quả do hành vi vi phạm môi trường gây nên, hậu quả về tính mạng, sức khỏe là khó xác định vì nó diễn ra từ từ, có thể sau 1 năm, 2 năm hoặc có thể sau 10 năm trở lên. Do đó dùng hậu quả làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc quyết định hình phạt cũng khó.
Thời gian qua, đã có tiền lệ là, cơ quan chức năng biết chắc doanh nghiệp, cá nhân đó có hành vi gây hại cho môi trường nhưng không xử lý được vì không giám định được thiệt hại. Và chắc chắn khâu giám định mức độ thiệt hại sẽ còn là một trở ngại lớn để có thể xử lý đến nơi đến chốn các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, việc xác định một hành vi vi phạm gây hậu quả cho môi trường không phải là chuyện một sớm một chiều, cứ nhìn thấy hành vi vi phạm là có thể ‘túm” được người chịu trách nhiệm mà xử lý vì có khi phải chờ hàng chục năm sau mới thấy hậu quả. Và làm thế nào để xác định được hành vi xâm hại môi trường gây hậu quả “nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng” và “đặc biệt nghiêm trọng”?
Việc một doanh nghiệp xả nước thải tác động đến môi trường thế nào, tính toán thiệt hại tổn thất gây ra cho môi trường là rất khó và rất rộng. Đó là chưa kể đến việc phải tính cả hậu quả trước mắt và hậu quả lâu dài. Thí dụ như đối với vấn đề khí thải chẳng hạn. Cùng là việc doanh nghiệp xả nước thải vượt quá tiêu chuẩn kỹ thuật vài chục lần nhưng ở các vùng khác nhau thì mức độ thiệt hại lại khác nhau. Và nếu cứ căn cứ vào quy định của Chương XVII trong Bộ luật Hình sự thì lực lượng cảnh sát môi trường chẳng biết điều tra ra sao.
Đã đến lúc cần coi các đối tượng vi phạm môi trường là một loại tội phạm nghiêm trọng đồng thời có nhận thức đúng về loại tội phạm này, từ đó xây dựng các chế tài mạnh có khả năng phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm một cách hiệu quả. Đặc biệt, phải thiết lập chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật Hình sự, với những trường hợp vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.