ThienNhien.Net – Người dân nơi đây còn chỉ cho chúng tôi thấy một số đoạn bờ bao biển của đảo Quan Lạn, Minh Châu còn bị xén mỏng dần.
Chúng tôi vừa có một chuyến du lịch đến Vân Đồn, Quảng Ninh, nơi có hai xã đảo Quan Lạn và Minh Châu. Đây là một trong những địa điểm du lịch biển nổi tiếng khu vực Đông Bắc. Thế nhưng ngoài vẻ đẹp của biển thì trên bờ là những “vết thương nham nhở” do việc khai thác cát gây ra. Chuyến du lịch gác lại để ‘máu nghề’ nổi lên, chúng tôi đi tìm hiểu thực hư của câu chuyện khai thác cát mà dân tình ở đây đang cực kỳ bức xúc…
Phập phồng nỗi lo
Khi vừa bước chân lên đảo, chúng tôi đã nhận thấy sự hiện diện của những chiếc ròng rọc, những chiếc cẩu lớn phục vụ cho việc khai thác cát ngay tại bến đỗ thuộc địa bàn xã Minh Châu. Tiến sâu hơn vào xã Quan Lạn chúng tôi lại càng thấy rõ việc khai thác cát ở đây không những có quy mô lớn mà còn diễn ra rầm rộ tới mức đi dọc tuyến đường vào UBND xã Quan Lạn không chỗ nào không thấy những mỏ cát nham nhở hai bên đường. Những hố cát rộng và dài đến cả trăm mét cứ nối nhau san sát tạo thành nên vệt dài tưởng chừng như không có điểm dừng.
Tại một điểm khai thác cát thuộc địa phận xã Minh Châu, chúng trượt mình xuống một khu lòng chảo cát rộng hàng héc ta để tiến hành thực địa. Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy bãi cát có rất nhiều hố nước lớn, nằm rải rác khắp nơi. Một người dân đi cùng với chúng tôi cho biết, những hố nước lớn này được hình thành do khai thác cát quá sâu. Sau khi khai thác xong, doanh nghiệp không chịu san lấp để rồi khi mưa xuống cả vùng đất rộng lớn bỗng hóa ao, hồ.
Tuy nhiên, không chỉ địa hình bị lồi lỏm bởi những hố nước. Người dân nơi đây còn chỉ cho chúng tôi thấy một số đoạn bờ bao biển của đảo Quan Lạn, Minh Châu còn bị xén mỏng dần. Quả thật, khi chúng leo lên bờ bao biển thì thấy nước biển chỉ cách chúng tôi vài chục mét và độ cao từ đỉnh bờ bao biển đến mực nước biển (khi thủy triều chưa lên) chưa đầy 2m.
Đứng cạnh chúng tôi, một người dân nói với nét mặt lo lắng: “Chúng tôi rất sợ một ngày nào đó triều cường lên cao vượt qua bờ bao biển và nước biển sẽ ùa vào vào đất liền làm đất nhiễm mặn. Như vậy thì cây cối chết hết mất…”.
Đem những nỗi niềm của người dân nơi đây gõ cửa từng cơ quan tìm lời giải đáp. Đầu tiên, tại UBND xã Quan Lạn chúng tôi nhận được những lời chia sẻ rất chân thật của một cán bộ xã rằng: “Các điểm khai thác cát trên đảo là của Công ty cổ phần Viglacera Vân Hải. Đây là doanh nghiệp khai thác cát đầu tiên trên địa bàn đảo Quan Lạn, mỗi năm Công ty Vân Hải khai thác hàng trăm tấn cát trắng phục vụ sản xuất công nghiệp xây dựng, chế biến thủy tinh”.
Vị lãnh đạo này cũng bày tỏ sự ái ngại khi việc hoàn nguyên ở các điểm khai thác cát không được thực hiện nghiêm túc sẽ để lại những tác động xấu đến môi trường.
Gian truân đi tìm câu trả lời
Chúng tôi tiếp tục tìm đến trụ sở của Công ty cổ phần Viglacera Vân Hải (gọi tắt Công ty Vân Hải) để được trao đổi với lãnh đạo công ty này. Tuy nhiên, khi đến trụ sở của công ty này tại TP Hạ Long, hỏi mấy nhân viên trong công ty đều cho biết tất cả lãnh đạo công ty này đều đi vắng.
Văn phòng của Công ty cho biết Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Viglacer Vân Hải là ông Hoàng Đức Hưng đang đi công tác tại đảo Quan Lạn. Khi chúng tôi đề nghị văn phòng liên lạc với lãnh đạo công ty để đặt lịch làm việc thì nhân viên văn phòng gọi vài ba cuộc rồi thông báo với chúng tôi rằng “ngoài đảo không có sóng, không thể liên lạc được”.
Nghe vậy, chúng tôi chủ động xin số di động của lãnh đạo Công ty thì anh này chỉ cho số máy bàn và khi gọi thì không thể liên lạc được. Ngay sau đó phóng viên lại ngược đường, vượt biển ra lại đảo Quan Lạn để mong gặp gỡ và trao đổi thông tin với lãnh đạo Công ty cổ phần Viglacera Vân Hải nhằm có thông tin đa chiều.
Tuy nhiên, khi chúng tôi ra đảo thì lại nhận được câu trả lời của ông Nguyễn Văn Thường (Giám đốc sản xuất) rằng: “anh Hưng – (Tổng giảm đốc) thường túc trực ở trong văn phòng (TP Hạ Long) là chính. Thi thoảng mới ra đảo để kiểm tra, đôn đốc nhà máy thôi”.
Không gặp được Tổng Giám đốc, chúng tôi cố gắng thuyết phục vị giám đốc sản xuất dành ít phút trao đổi về vấn đề liên quan đến hoạt động khai thác cát ở hai xã Quan Lạn và Minh Châu của doanh nghiệp này. Nấn ná một lúc, ông Thường ra ngoài hành lang lấy điện thoại gọi cho ai đó khoảng chừng 10 phút rồi mới vào phòng đồng ý trao đổi với phóng viên.
Khi nói về vấn đề cải tạo môi trường tại các điểm khai thác cát, ông Trường cho rằng: “ công ty có 4 điểm khai thác cát. Trong đó, có 3 điểm Công ty gần như không khai thác mà bỏ đó từ khi có giấy phép và hiện đã bàn giao lại cho tỉnh gồm( khu Giộc,khu Cồn Trụi, khu Vạn Bóng). Hiện tại, công ty chỉ khai thác chủ yếu ở khu Minh Châu”.
Khi phóng viên hỏi rằng: “Có ý kiến người dân cho rằng Công ty Vân Hải khai thác quá sâu làm bờ bao biển đứng trước nguy cơ bị nước biển xâm thực. Ông lý giải vấn đề này thế nào?” .
Ông Thường trả lời dứt khoát: “Công ty khai thác rất cẩn trọng, để bờ bao biển rất dày đến cả trăm mét, như thế không thể có chuyện biển xâm thực được. Những kiến nghị đó do người dân nhìn nhận cảm tính. Công ty không những khai thác cẩn trọng mà còn tích cực hoàn nguyên, cải tạo môi trường một số điểm đã khai thác xong. Mặc dù trong quy định là sau năm 2021 mới phải cải tạo môi trường”.
Phóng viên lại tiếp tục hỏi: “Vậy công tác cải tạo môi trường của Công ty tiến hành như thế nào? Nguồn vật liệu gì để lấp đi những cái hố khai thác rộng lớn như vậy?”
Ông Thường nghĩ ngợi một lát rồi trả lời rằng: “Để hoàn nguyên, cải tạo môi trường công ty sẽ sử dụng đất cát bề mặt mà lúc khai thác phải bóc đi để lấy phần cát trắng. Sau đó sẽ trồng cây phủ xanh. Hiện tại, Công ty đã cải tạo khu vực ao Ren và Sơn Hào và bắt đầu trồng cây xanh trong nay mai”.
Đằng sau lời khẳng định
Sau khi rời khỏi trụ sở Công ty Vân Hải, chúng tôi nhờ một người dân dẫn đến khu vực ao Ren và Sơn Hào. Tại thời điểm phóng viên chứng kiến, hai khu vực nãy vẫn nhấp nhô bởi hố sâu. Đi hàng trăm mét mới thấy một cây Phi Lao nhỏ nằm quặt quẹo trên cát.
Thắc mắc sao Công ty Vân Hải cải tạo môi trường bằng hời hợt thề thì người dẫn đường cho chúng tôi bảo: “Đã cải tạo gì đâu. Đó không phải là cây trồng mà là những gốc cây cũ bị máy xúc vùi xuống sâu giờ nảy lên một mầm nhỏ mà thôi”.
Đem những nỗi niềm của người dân hai xã đảo Quan Lạn, Minh Châu đến Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh, chúng tôi được những lãnh đạo ở đây cho biết thêm các thông tin về việc khai thác cát của Công ty Vân Hải.
Theo đó, công văn số 1496/TNMT –KS ngày 14/5/ 2015. Có đánh giá về hiện trạng khai thác có điểm đáng chú ý là “khu Vạn Bóng – Công ty Vân Hải đã khai thác hết trữ lượng (trữ lượng là 35.000 tấn) và dừng khai thác từ năm 2000. Do khu vực bãi triều nên hiện trạng khu vực đã trở lại bình thường”.
Điều này, trái ngược với lời ông Thường là đây là một trong ba điểm trữ lượng thấp nên khai thác ít rồi ngừng khai thác và đã cải tạo môi trường. Nhưng trong công văn nêu trên lại xác định là do bãi triều mà môi trường nơi đây trở lại bình thường.
Như vậy, nếu không có bãi triều thì liệu điểm khai thác Vạn Bóng hơn 10 năm qua liệu có được cải tạo môi trường? Đây có lẽ cũng là một trong lý do người dân nơi đây sợ Công ty Vân Hải sẽ quên mất trong tương lai khi bờ bảo biển đang rất mỏng manh theo tháng năm.
Tạm kết
Trong Công văn số 279/UBND –CN ngày 20/5/ 2015 của UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã đề nghị Công ty CP Viglacera Vân Hải cải tạo, phục hồi môi trường các khu vực đã kết thúc khai thác và đang trong quá trình khai thác, không để đến sau khi kết thúc tời hạn khai thác (năm 2021) mới tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường.
Tuy nhiên, từ hiện trạng thức tế cho thấy Công ty CP Viglacera Vân Hải vẫn “nằm im bất động” chưa có giải pháp cụ thể trước nỗi lo ngay ngáy của người dân. Hơn nữa, việc hoàn nguyên mà chỉ lấy nguồn cát, đất do “bóc vỉa” tại chỗ san vào thì liệu có đủ lấp vào những cái hố sâu hoắm đã bị rút ruột cát đi bao năm nay không? Phương án hoàn nguyên như ông Thường nói liệu đã đúng quy trình, quy định? Công luận đang chờ các cơ quan chức năng vào cuộc để có câu trả lời.