ThienNhien.Net – Thúc đẩy tái cơ cấu ngành lâm nghiệp là nội dung quan trọng trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững mà tỉnh Cà Mau đang hướng tới. Theo đó, về quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2020, địa phương sẽ giữ ổn định diện tích 114.305 ha. Trong đó, đất rừng đặc dụng 24.905 ha, đất rừng phòng hộ 27.196 ha, đất rừng sản xuất 62.204 ha.
Tạo đột phá từ trồng rừng thâm canh
Diện tích quy hoạch cho bảo vệ và phát triển rừng hiện là 114.305 ha, trải rộng trên 6 huyện, 33 xã có diện tích rừng, được quản lý bởi 33 tổ chức và trên 4.000 hộ gia đình được Nhà nước giao đất, giao rừng. Trong lâm phần còn có trên 15.000 hộ nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp của các tổ chức, hàng nghìn hộ khác có cuộc sống hàng ngày liên quan tới rừng.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, người dân sống dưới tán rừng còn nghèo bởi lâu nay cơ chế quản lý còn chồng chéo, chưa phân định rõ ràng giữa rừng bảo tồn và rừng kinh tế dẫn đến việc thiếu đầu tư. Do đó, để quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả cần phải gắn với lợi ích sinh kế.
Trước đây, các chương trình trồng rừng của tỉnh chỉ áp dụng biện pháp quảng canh truyền thống, cây giống gieo từ hạt, mức độ đầu tư thấp, chu kỳ sinh trưởng kéo dài từ 10 – 12 năm. Theo đó, hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao, đời sống của người dân làm nghề rừng còn gặp nhiều khó khăn. Vài năm gần đây, công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ cũng như một số hộ dân trên lâm phần đã thí điểm phương pháp trồng rừng mới – mô hình trồng rừng thâm canh (tràm, keo lai) cho năng suất cao. Tính đến thời điểm này, công ty đã triển khai trồng 3.500ha keo lai kê liếp và trên 3.000ha tràm thâm canh, trên tổng diện tích lâm phần công ty là 19.520ha.
Thực tế cho thấy, phần lớn các hộ dân tham gia thực hiện mô hình trồng rừng thâm canh đều đánh giá cao về khả năng sinh trưởng và phát triển của cây tràm truyền thống, cũng như giống keo lai mới áp dụng gần đây. Bởi trồng rừng theo phương pháp thâm canh, kê liếp rút ngắn một nửa thời gian, trung bình chỉ khoảng 5 năm, nhưng giá trị kinh tế cao gấp 3 – 4 lần so với trồng rừng quảng canh truyền thống; mặt khác góp phần hạn chế được tình trạng cháy rừng.
Ông Quách Thanh Hải, ấp Vồ Dơi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết, gia đình ông được cấp 5 ha đất, hiện 2,5 diện tích đất trồng rừng tràm đã chuyển sang trồng keo lai được 3 năm tuổi, dự tính đến 5 năm gia đình sẽ thu hoạch. Giá keo lai, tràm úc hiện dao động 600 – 800 đồng/kg, tính bình quân 2,5 ha trồng thì sẽ thu về trên 200 triệu đồng.
Thực tế cho thấy, mô hình trồng rừng thâm canh đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp, nhiều hộ dân khác sống dưới tán rừng mong sớm được chuyển giao giống và kỹ thuật để mở rộng diện tích trồng đại trà. Tuy nhiên, người dân vẫn đang trăn trở vì vốn đầu tư ban đầu để cải tạo, kê liếp khá cao.
Ông Lâm Văn Đoàn, ngụ huyện Trần Văn Thời cho biết, gia đình biết tin được trồng keo lai thay thế tràm vào rừng sản xuất nhưng do không có tiền để lên liếp toàn bộ diện tích nên chỉ cải tạo bờ bao xung quanh để trồng thử nghiệm, vừa qua cho thu hoạch hơn 30 triệu đồng. Trong khi đó, với toàn bộ diện tích còn lại hơn 2 ha tràm, cao lắm cũng chỉ cho thu hoạch khoảng 40 triệu đồng.
Dù thấy được hiệu quả từ cây keo lai là rất lớn, nhưng gia đình ông cũng như nhiều hộ dân nơi đây chỉ đủ điều kiện chuyển đổi một phần. Bởi, nếu đầu tư cải tạo 2,5 ha đất phải tốn 40 – 50 triệu đồng. Đa phần người dân ở đây đều thuộc diện nghèo nếu không có sự giúp sức từ các ngành chức năng khó lòng nắm bắt được cơ hội để thoát nghèo.
Ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ cho biết, thời gian tới, công ty sẽ triển khai trong dân trồng rừng thâm canh đại trà, nâng cao giá trị kinh tế lâm nghiệp và phòng chống cháy rừng. Riêng về vấn đề vốn, công ty sẽ kết hợp với ngân hàng, công ty có nhu cầu về gỗ, hỗ trợ vốn giúp bà con tái trồng rừng theo phương pháp thâm canh.
Bảo đảm sinh kế cho dân
“Để góp phần hỗ trợ sinh kế cho hội viên nông dân nói chung và người dân sống dưới tán rừng nói riêng, từ năm 2012 đến nay, bên cạnh việc kết hợp với các sở, ngành chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho bà con, Hội Nông dân huyện U Minh còn giải ngân gần 2 tỷ đồng thực hiện các mô hình, dự án từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Khi các mô hình thí điểm có hiệu quả, sẽ tiếp tục nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho bà con, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn”. ông Trần Huy Quang, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện U Minh cho biết.
Nhiều mô hình kết hợp đa canh, đa con ở các địa phương bắt đầu hình thành, điển hình như: “Nuôi cá thâm canh nước ngọt, kết hợp trồng cây ăn trái” tại xã Khánh Lâm; “lúa, cá đồng” tại xã Khánh Thuận, Nguyễn Phích; “lúa, tôm kết hợp chăn nuôi” tại xã Khánh Hòa; “Nuôi heo thịt” tại xã Khánh An.
Gia đình ông Quách Thanh Hải là một ví dụ điển hình, bên cạnh trồng rừng thâm canh, gia đình trồng chuối dọc bờ bao xung quanh diện tích đất, cho thu hoạch đều đặn hàng tháng, trung bình từ 200 – 300 kg với giá thị trường từ 2.500 – 3.000 đồng/kg. Ngoài ra, gia đình ông còn tham gia Tổ Hợp tác ăn ong (được hỗ trợ vốn, dụng cụ ăn ong an toàn tránh gây cháy rừng, nhằm khuyến khích người dân gác kèo ăn ong trên phần đất gia đình), hàng tháng cũng cho thu nhập khá ổn định từ 3 đến 4 triệu đồng.
Bên cạnh đó, theo đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, tỉnh Cà Mau sẽ chú trọng đến phát triển du lịch sinh thái, dịch vụ môi trường rừng: khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình liên kết cùng các công ty du lịch để phát triển các mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, gắn với các điểm du lịch của tỉnh như: Vườn Quốc gia U Minh Hạ, hòn Ðá Bạc, Khai Long, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau…
Rừng giờ đây không chỉ là tài sản quý của quốc gia cần được bảo vệ và phát triển mà còn là sinh kế của hàng nghìn người dân gắn liền với đó. Sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương đã góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.