ThienNhien.Net – Giai đoạn 2013-2015, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt bình quân 6,57%/năm, so với mức 5,03% giai đoạn 2010-2012, vượt mục tiêu đề án đề ra.
Đây là mức tăng trưởng cao nhất của ngành lâm nghiệp từ trước đến nay, ước cả năm nay đạt 9%-10%.
Kết quả này được ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, nhân rộng mô hình điển hình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức tại Hà Nội, ngày 3/7.
Theo ông Nguyễn Bá Ngãi, qua hai năm triển khai thực hiện tái cơ cấu lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng trưởng mạnh, gấp hơn 2 lần trong vòng 5 năm từ 3,035 tỷ USD/năm giai đoạn 2010-2012 lên 6,267 tỷ USD/năm giai đoạn 2013 đến nay.
Công tác trồng rừng tiếp tục được các địa phương tích cực triển khai, bình quân hàng năm cả nước trồng được trên 200.000Diha rừng tập trung; trong đó 90% là rừng sản xuất.
Dịch vụ môi trường thực sự trở thành nguồn tài chính quan trọng bền vững của ngành lâm nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho người dân làm nghề rừng, tạo nguồn tài chính bền vững, giảm áp lực chi ngân sách nhà nước, bình quân hàng năm thu được 1.200 tỷ đồng, góp phần chi trả cho 2,8-3,4 triệu hécta rừng.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, có 22/60 tỉnh có rừng đã có 57 mô hình cho thu nhập cao trên 100 triệu đồng/ha/năm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã triển khai xây dựng một số mô hình như trồng rừng thâm canh gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng sang kinh doanh gỗ lớn tại các địa phương.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Ngãi cho rằng, quá trình thực hiện triển khai tái cơ cấu còn khá nhiều hạn chế. Chẳng hạn như việc thực hiện Đề án chưa đồng bộ; nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm, triển khai chậm, thậm chí còn lúng túng.
Đến nay, còn 25 tỉnh/thành phố chưa phê duyệt Đề án/kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành lâm nghiệp tại địa phương. Kết quả tái cơ cấu trong thực tiễn mới chỉ là bước đầu và chưa tạo được chuyển biến rõ rệt; tăng trưởng của ngành chưa vững chắc. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm; kinh tế hộ nhỏ lẻ ngày càng bộc lộ những hạn chế, yếu kém; lâm trường quốc doanh/công ty lâm nghiệp Nhà nước đổi mới chậm.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn cho hay, kết quả bước đầu thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp rất tích cực, nhưng các địa phương vẫn phải chủ động triển khai thực hiện hiệu quả. Những địa phương chưa phê duyệt Đề án/kế hoạch hành động cần khẩn trương hoàn thiện, phê duyệt trước quý 4/2015.
Bên cạnh việc tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất lâm nghiệp hiệu quả cao, địa phương cần có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết với người dân sản xuất theo chuỗi trong lâm nghiệp, đặc biệt là chính sách tín dụng hỗ trợ người dân có thể đầu tư thâm canh trồng rừng, có thể kéo dài chu kỳ trồng rừng hơn.