ThienNhien.Net – Chính sách thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào khoa học công nghệ (KHCN) nhiều, nhưng DN chỉ đầu tư khi có lợi. DN chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này, có nghĩa là chính sách chưa tạo thuận lợi cho họ.
Đây là ý kiến của đại diện Học việc Nông nghiệp Việt Nam tại hội thảo “Cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KHCN trong nông nghiệp” do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 2/7, tại Hà Nội.Đại diện cho các DN đầu tư vào lĩnh vực KHCN trong nông nghiệp, ông Trần Mạnh Báo, Tổng Giám đốc Công ty Giống cây trồng Thái Bình cho biết, có tới 2 luật và hàng chục nghị định, thông tư về nông nghiệp, rất nhiều văn bản, nhưng DN cần xin cái gì cũng không biết ứng vào đâu.
Tại hội thảo, nhiều DN cho rằng, để đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi đầu tư một lượng tiền rất lớn. DN nông nghiệp rất khó tiếp cận được nguồn vốn lớn, dài hạn, lãi suất thấp. Chính vì vậy DN nông nghiệp bị yếu thế do công nghệ thấp, khó cạnh tranh, chi phí cao dẫn đến lợi nhuận thấp không có kinh phí để mở rộng và nghiên cứu công nghệ mới hơn.
Ông Trần Mạnh Báo cho rằng, việc xã hội hóa nghiên cứu KHCN sẽ khai thác được nguồn lực của xã hội và các đề tài nghiên cứu sẽ có hiệu quả hơn. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích đủ mạnh và tạo điều kiện cho DN nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KHCN, đặc biệt là ứng dụng nghiên cứu.
Nhà nước tạo điều kiện để các DN được tiếp cận với các sản phẩm, chương trình nghiên cứu, hợp tác quốc tế và đào tạo sử dụng ngân sách Nhà nước để các DN nhanh chóng nâng cao trình độ và nhận thức về KHCN, không nên bán bản quyền.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, tất cả các chính sách cần phải gom hết lại, chỉ nói chung “khuyến khích, tăng cường” là vô nghĩa.
Chẳng hạn như giảm thuế cho DN cần giảm như thế nào, hỗ trợ lãi suất cần hỗ trợ bao nhiêu… Chính sách nào khuyến khích DN vào nghiên cứu, chính sách nào hỗ trợ DN chuyển giao, DN nhập khẩu giống đầu dòng về thì chính sách như thế nào… Những chính sách đó phải rạch ròi để DN biết và áp dụng.
Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo những công việc rất cụ thể như: Đưa thêm một số loại sản phẩm DN đã nghiên cứu và ứng dụng thành công vào danh mục hưởng ưu đãi là các sản phẩm KHCN nông nghiệp.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng yêu cầu Vụ KHCN của Bộ NN&PTNT thành lập một bộ phận chuyên trách làm việc với DN. Đây sẽ là đầu mối giải quyết mọi khúc mắc của DN khi đầu tư vào KHCN trong nông nghiệp trong thời gian tới.