ThienNhien.Net – Chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện đã giúp đời sống người dân khu vực rừng đầu nguồn các lưu vực sông, các công trình thủy điện được cải thiện đáng kể, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tiền từ dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) không chỉ góp phần cải thiện đời sống cho người dân, cho chủ rừng, mà còn góp phần giúp công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng được tốt hơn…
Đời sống người giữ rừng được cải thiện
Theo báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (BVPTR VN), năm 2014, quỹ này đã thu được 1.335 tỷ đồng (quỹ Trung ương thu 996,3 tỷ đồng, quỹ BVPTR các tỉnh thu được 338,6 tỷ đồng). Trong đó, nhiều tỉnh thu vượt kế hoạch như: Gia Lai, Sơn La, Đắc Lắc, Lâm Đồng.
Năm 2015, dự kiến cả nước sẽ thu khoảng 1.307 tỷ đồng, trong đó quỹ Trung ương thu 917 tỷ đồng, quỹ BVPTR các tỉnh sẽ thu khoảng 390 tỷ đồng. Từ đầu năm 2015 đến nay, cả nước đã thu được 234,9 tỷ đồng, trong đó quỹ Trung ương thu được 183 tỷ đồng, quỹ các tỉnh thu được 58 tỷ đồng. Theo Quỹ BVPTR VN, tiền thu từ DVMTR đã góp phần vào công tác quản lý, bảo vệ cho khoảng 5,78 triệu héc-ta rừng. Đến nay, toàn quốc đã có 37 tỉnh, thành phố lập quỹ BVPTR với 355.324 đối tượng tham gia cung ứng DVMTR (tổ chức, hộ gia đình, cá nhân). Riêng số hộ nhận khoán bảo vệ rừng tính đến năm 2014 là 229.101 hộ, trong đó có tới 72% hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ chính sách chi trả DVMTR đã bước đầu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của chủ rừng, đặc biệt đời sống của chủ rừng là hộ gia đình đã từng bước được cải thiện. Cụ thể, mức chi trả đối với rừng nằm trên một số lưu vực sông là: Sông Đà được chi trả từ 219.000 đồng/ha/năm; sông Đồng Nai, Sêrêpôk từ 250-300.000 đồng/ha/năm; ở một số nơi, đơn giá chi trả tiền DVMTR đạt từ 300.000-500.000 đồng/ha/năm như tại tỉnh Lâm Đồng, Đắc Nông, Lai Châu. Mức chi trả này cao hơn mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho bảo vệ rừng hằng năm là 200.000 đồng/ha. Bình quân thu nhập của hộ gia đình từ tiền DVMTR cả nước là 1,8 triệu đồng/hộ/năm; một số hộ gia đình quản lý rừng ở Lâm Đồng, Đắc Lắc, Lai Châu có mức thu nhập từ tiền DVMTR bình quân từ 10-15 triệu đồng/hộ/năm. Tiền từ DVMTR đã góp phần tăng việc làm, xóa đói-giảm nghèo, cải thiện sinh kế, giúp người dân yên tâm gắn bó với rừng, đồng thời còn góp phần bảo đảmổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương, đặc biệt là vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới.
Ông Huỳnh Đức, Giám đốc Quỹ BVPTR tỉnh Quảng Nam cho biết: Quảng Nam đã hoàn thành việc lập 12 dự án và xác định được 295.000ha rừng có cung ứng DVMTR, đồng thời triển khai xong việc giao khoán bảo vệ rừng cho 19.500 hộ. Đây là cơ sở để thực hiện việc chi trả tiền DVMTR. Từ năm 2014, Quảng Nam đã giải ngân xong 100% số tiền DVMTR đến chủ rừng, người nhận khoán quản lý và bảo vệ rừng, không để tồn đọng tiền trong quỹ. Tiền DVMTR hầu hết tại các huyện ở địa bàn miền núi-những nơi bà con rất khó khăn. Tổng số tiền 40-50 tỷ đồng mỗi năm từ Quỹ BVPTR tỉnh chi trả cho bà con, giúp mỗi hộ dân có thể mua được 700-800kg gạo. Số gạo này góp phần giúp bà con giải quyết vấn đề lương thực, không còn lo thiếu đói thời kỳ giáp hạt nữa. Đồng bào thấy rõ chủ trương chi trả DVMTR theo Nghị định 99 của Chính phủ là đúng đắn nên đã yên tâm bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng của đồng bào đã thay đổi, công tác bảo vệ rừng tốt hơn trước đây.
Những khó khăn, bất cập cần tháo gỡ
Khó khăn, vướng mắc, bất cập đầu tiên phải kể tới trong chính sách chi trả DVMTR chính là việc xác định tiền chi trả DVMTR bình quân theo lưu vực sông cho các chủ rừng cung ứng dịch vụ đối với các thủy điện bậc thang có sự chênh lệch lớn về đơn giá. Chẳng hạn ở tỉnh Điện Biên, đơn giá chi trả cao nhất 260.000 đồng/ha nhưng thấp nhất chỉ được trả 826 đồng/ha; ở Bình Định, đơn giá cao nhất tới 604.690 đồng/ha, thấp nhất chỉ 1.828 đồng/ha; ở Sơn La, mức chi trả cao nhất là 219.000 đồng/ha, thấp nhất là 4.000 đồng/ha…
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Đức cho rằng: Việc áp dụng các mức chi trả khác nhau và không thể cào bằng theo kiểu bình quân chủ nghĩa là để khuyến khích các chủ rừng tích cực tham gia cung ứng DVMTR và để bảo vệ rừng. Tuy nhiên, nếu áp dụng một cách quá máy móc, cứng nhắc, nơi thì được chi trả quá cao, nơi lại quá thấp như hiện nay thì rất khó khuyến khích được các chủ rừng.
Theo báo cáo của Quỹ BVPTR VN, ở một số địa phương, thu nhập từ tiền DVMTR cho các chủ rừng còn rất thấp, nhiều khu vực có đơn giá chi trả thậm chí còn thấp hơn các chính sách trước đây (như ở Sơn La, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Yên Bái, Gia Lai…) nên chưa khuyến khích chủ rừng yên tâm gắn bó với công tác bảo vệ rừng.
Những khó khăn, bất cập khác là: Một số tỉnh có mức tiền DVMTR thấp (dưới 10 tỷ đồng) nên chưa triển khai được công tác tuyên truyền, rà soát ranh giới diện tích rừng cho chủ rừng; một số địa phương lãnh đạo chính quyền chưa thực sự quan tâm chỉ đạo công tác này, dẫn đến tình trạng đến nay vẫn chưa thành lập được quỹ BVPTR, hoặc chưa bố trí đủ nhân sự để quỹ hoạt động.
Nếu những bất cập này không sớm được các cơ quan chức năng quan tâm tháo gỡ thì việc bảo vệ và phát triển rừng ở một số địa phương rất khó có thể đạt được hiệu quả như mong muốn.