ThienNhien.Net – “Sau khi bàn giao đất để xây dựng công trình thủy điện thì cuộc sống người dân bị ảnh hưởng trở nên nghèo hơn”.
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển xã hội (thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa-Thiên Huế – CSRD) công bố hôm 25-6, sau khi thực hiện chuyến khảo sát thực địa sự tác động của thủy điện Buôn Kuốp (Đắk Lắk) đến người dân khu vực.
Công trình thủy điện Buôn Kuốp nằm trên sông Serepok thuộc địa phận hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ với tổng mức đầu tư hơn 4.980 tỉ đồng. Qua khảo sát ở xã Ea Na, huyện Krông Ana (Đắk Lắk), CSRD nhận xét việc xây dựng và vận hành thủy điện Buôn Kuốp này làm nảy sinh nhiều vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường rất rõ ở các khu vực được nghiên cứu. Đơn cử, theo nhận xét của ông Y Hai Kbuôr, Trưởng buôn Drai (xã Ea Na, huyện Krông Ana, Đắk Lắk), cuộc sống người dân sau khi giao đất làm thủy điện gặp khó khăn hơn vì diện tích đất người dân mất đi nhiều so với đất được cấp (khoảng 3.500 m2).
“Có một thực tế là 95% hộ gia đình ở buôn Drai phải vượt dòng sông Serepok qua bên địa phận tỉnh Đắk Nông để khai hoang, trồng hoa màu (bắp, đậu phộng…) nhưng chỉ rải rác vì đất cằn cỗi, nhiều sỏi đá. Việc này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho tính mạng người dân vì đến thời điểm hiện tại đã có hơn 10 người thiệt mạng do vượt sông để canh tác hoặc các hoạt động sinh kế khác” – báo cáo nêu.
Ngoài ra, sau khi nhà máy phát điện, hiện người dân vẫn tiếp tục phản ánh, kiến nghị về các tác động ảnh hưởng. Một khi các vấn đề này chưa được giải quyết thì họ vẫn tiếp tục sống chung với các điều kiện bất lợi.
“Thực tế, cuộc sống của người dân đã không thay đổi theo chiều hướng tốt hơn theo định hướng của Nhà nước và các nhà đầu tư khi tiến hành xây dựng một công trình thủy điện để phục vụ lợi ích quốc gia. Những điều này có thể kìm hãm sự phát triển của một bộ phận dân cư, đẩy họ vào ngõ cụt và làm ảnh hưởng đến cả một thế hệ trẻ sinh ra ở các gia đình này” – ông Lê Quang Tiến, cán bộ CSRD – người trực tiếp thực hiện việc khảo sát, nhấn mạnh.
Từ kết quả này, CSRD kiến nghị các chủ đầu tư dự án thủy điện phải có thêm nguồn kinh phí dự phòng từ các dự án để tiếp tục theo dõi và giải quyết các phát sinh hậu thủy điện nhằm đáp ứng một cách hợp lý các nguyện vọng chính đáng của người dân. Ngoài ra chính quyền địa phương phải có trách nhiệm đảm bảo các cam kết, tuyên bố của chủ đầu tư các dự án thủy điện về các chính sách bồi thường, tái định cư phải được thực hiện và được người dân tham gia, giám sát.