ThienNhien.Net – Đến xóm Cầu Ván (Cộng Hòa, Chí Linh, Hải Dương) hỏi thăm anh Tuấn “cụt” trồng rừng, không ai là không biết đến. “Nổi tiếng” khắp vùng nhờ ý chí và nghị lực phi thường, anh Nguyễn Đình Tuấn đã và đang viết lên một câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
“Bi kịch” ập đến cuộc đời
Anh Tuấn sinh năm 1978, là con thứ hai trong gia đình có ba anh em. Học lớp 5 Tuấn cùng nhóm bạn lên đồi chăn trâu. Một hôm, nhóm bạn của Tuấn tìm được một quả bom bi liền mang ra ghè. Thấy lạ, Tuấn cũng đến xem. Quả bom phát nổ khiến bốn người bạn trong nhóm đó chết, Tuấn là người duy nhất may mắn sống sót.
Tuấn được đưa đến viện trong tình trạng “một phần sống, chín phần chết”. Tệ hại hơn, sau hai ngày ở viện anh bị nhiễm trùng máu. Nhìn đứa con trai duy nhất quằn quại trong nỗi đau, dần đi vào cõi chết, mẹ Tuấn gần như tuyệt vọng. Nước mắt người mẹ cũng khô cạn vì khóc quá nhiều, bà lặng lẽ cùng dân làng chuẩn bị hậu sự cho con trai.
Những tưởng “kiếp luân hồi” đã đến với con trai họ nhưng “còn nước còn tát”, bố mẹ đã chuyển Tuấn lên Bệnh viên Thụy Điển và 1 tháng 10 ngày trôi qua, Tuấn đã “hồi sinh” ngoài sức tưởng tượng của mọi người trong gia đình và các bác sĩ chữa trị cho anh.
Tình trạng của Tuấn khiến mọi người không thể không nghĩ đến tình huống xấu nhất, huyệt mộ cũng đã được đào. Anh Tuấn nhớ lại: “May sao tôi cao số chứ cơ thể nát hết thế làm sao mà sống được. Khi được đưa đến viện, người tôi gần như hết sạch máu. Bố tôi còn nói chỉ nghĩ là chữa thôi chứ không nghĩ là sống, không nỡ đem con mình vẫn còn thở mang về chôn”.
Đi ra từ cõi chết, anh Nguyễn Đình Tuấn mang trên cơ thể 81% thương tật, chỉ còn lại một khuỷu tay và một chân. Nỗi buồn, sự tủi thân lớn dần, nhiều lần anh đã cầm dao cứa vào cổ mình để được chết, không làm khổ đến bố mẹ. Nhờ sự động viên của cha, giọt nước mắt của mẹ, Tuấn quyết tâm đứng dậy. Hơn một tháng tập đứng rồi tập nhảy cò và gần nửa năm Tuấn đã đi được vài bước trong nhà. Khoảng thời gian 3 năm anh đã bước ra được ngoài sân và tự đi ra đường, dần hòa nhập với xã hội.
Không ngã tay chèo
Không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, năm 1993 anh Tuấn tròn 18 tuổi, đã xin bố mẹ vào rừng để sống. Cản con không nổi, ông bà đã xây cho anh một căn nhà bằng gạch rộng chừng 10m2, sắm cho cái giường và vài vật dụng nấu ăn để bắt đầu cuộc sống một mình nơi rừng vắng. Thời gian đầu, cha mẹ anh làm giúp anh công việc là xách nước lên bể để nấu ăn. Sau đó, anh tự làm tất cả bằng chính đôi chân tay cụt của mình. Từ nấu cơm, giặt quần áo đến việc trồng rừng khó khăn sau này, anh đều thành thục.
Những ngày đầu, vì chỉ còn 1 khủyu tay, trông thấy cuốc anh không biết làm sao có thể cầm lên và cuốc được đất. Có lần cuốc trượt vào chân, chảy máu. Nhưng rồi không phụ công cố gắng, Tuấn đã cuốc được thành thạo.
Để có vốn trồng rừng, anh bắt đầu dồn sức vào chăn nuôi gà đồi. Bình quân mỗi năm anh nuôi 4.000 đến 5.000 con gà, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Số tiền kiếm được từ việc nuôi gà đồi, anh đầu tư để phủ xanh đất rừng.
Nhận thấy trồng vải, bạch đàn không đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh quyết định bỏ cây vải, chuyển sang trồng keo. Sau hai lần đầu thất bại, cuối cùng anh Tuấn cũng thành công với lần trồng thứ ba, tỷ lệ sống đạt gần 100%.
Giờ đây với 5ha rừng, gia tài của “đại gia rừng núi” là gần 2000 cây keo 6 năm tuổi đang vào thời kỳ thu hoạch và gần 5.000 cây gỗ lim. Anh Tuấn nhìn rặng keo trước cửa đang vào độ lớn, nói: “Cách đây 2 năm, có người vào trả tôi 2 tỷ để mua lại cả rừng keo, lim nhưng tôi nhất quyết không bán. Tiền thì bao nhiêu cũng tiêu hết, nhưng tôi nhìn ra được tiềm năng lớn của rừng sẽ mang lại cuộc sống ổn định cho gia đình tôi sau này”.
Với rừng keo 6 năm tuổi, năm 2014 anh đã tỉa bán được hơn 30 triệu, chưa kể những cây lim và một số cây sưa đang lớn. Anh Tuấn tính những cây keo to anh sẽ để 10 năm sau bán gỗ xẻ, còn những cây trung bình sẽ tỉa bán dần rồi trồng gối những cây nhỏ.
Sau hơn hai mươi năm, nhìn vào gia tài nhà anh bây giờ, không ai có thể nghĩ được do chính người thanh niên chỉ còn một khuỷu tay và một chân lành lặn làm lên. Mỗi buổi sáng, anh vác 12 bao cám gà, mỗi bao 25kg thoăn thoắt và không có gì khó khăn, chưa kể việc leo đồi để chăm sóc keo mỗi tuần. Anh Tuấn kể: “Người dân trong làng nhìn thấy tôi chỉ hỏi là đã cầm thìa ăn cơm được chưa chứ không ai hỏi tôi tự mình trồng được bao nhiêu hécta rừng cả”.
Trước kia anh Tuấn từng có vợ là một cô gái trong xóm Cầu Ván, họ có một con trai là cháu Nguyễn Đình Thuận. Tuy nhiên, sau đó vì không chịu được cảnh khổ cực, vợ anh đã bỏ lại con trai khi đó mới 1 tuổi, dứt áo ra đi. Từ đó anh một mình cần mẫn nuôi con, đến nay con trai đã học lớp 7. Anh tâm sự: “Tôi muốn lo cho con học hành tốt nhất có thể để nó không phải tự ti vì gia đình không được hoàn hảo như người khác”.