Hà Nội tìm giải pháp dẹp nạn “cát tặc” ở Phúc Thọ

ThienNhien.Net – Nhằm kịp thời thông tin về tình hình khai thác tài nguyên trái phép trên sông Hồng thuộc địa bàn huyện Phúc Thọ, sáng 24/6 Huyện ủy, UBND huyện Phúc Thọ tổ chức “Hội nghị bàn giải pháp đấu tranh ngăn chặn hành động khai thác cát trái phép trên địa bàn” nhằm tìm ra những giải pháp đấu tranh, ngăn ngừa hiệu quả việc khai thác cát trái phép trên sông Hồng.

Dự hội nghị có ông Lại Hồng Thanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát Khoáng sản – Tổng Cục Địa chất khoáng sản Việt Nam (Bộ TN&MT); Đại tá Vũ Duyên Hải – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Môi trường C49 – Bộ Công an; cùng các đại diện lãnh đạo các sở: TN&MT, GTVT, NN&PTNT Hà Nội, Công an Hà Nội cùng các đơn vị liên quan trên địa bàn huyện Phúc Thọ.

Quang cảnh Hội nghị sáng 24/6 tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội. (Ảnh: Việt Hùng - Mai Đan)
Quang cảnh Hội nghị sáng 24/6 tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội. (Ảnh: Việt Hùng – Mai Đan)

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Việt Liên – Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết: Trong thời gian gần đây tình hình khai thác khoáng sản (cát) diễn ra phức tạp, các tàu khai thác cát của các công ty neo đậu sát bờ sông thuộc địa phận mỏ cát lợi dụng ngày nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần, vào ban đêm, sáng sớm và dùng nhiều thủ đoạn để trốn tránh lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nhằm khai thác cát trái phép trên sông Hồng.

Vì vậy, ông Nguyễn Việt Liên kiến nghị UBND TP Hà Nội báo cáo với Chính phủ, Bộ TN&MT chỉ đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấm dứt việc cấp phép và thu hồi giấy phép đã cấp cho các tổ chức cá nhân khai thác cát lòng sông; Công an TP chỉ đạo Phòng PC 68, PC 49 Công an TP tăng cường tuần tra, kiểm soát trên tuyến sông Hồng, phối hợp với huyện yêu cầu các tổ chức, cá nhân có tàu cuốc neo đậu tại vị trí mỏ cát trên địa bàn các xã Sen Chiểu, Phương Độ, Vân Nam, Vân Hà huyện Phúc Thọ di dời không được neo đậu trên sông Hồng thuộc địa phận huyện Phúc Thọ; tăng cường các trang bị, phương tiện cần thiết tập huấn sử dụng phương tiện cho Cảnh sát môi trường để phục vụ công tác chuyên môn…

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Việt Liên, ông Ngọ Duy Hiểu – Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ cho rằng, những bất cập về chính sách vĩ mô chính là nguyên nhân khiến hoạt động khai thác cát có phép và trái phép trên địa bàn huyện trong thời gian gần đây diễn ra rất sôi động. “Trong khi Hà Nội có quy định cấm khai thác cát trái phép trên sông Hồng thì tỉnh Vĩnh Phúc vẫn cho phép những đơn vị trên khai thác, khiến dòng chảy bị ảnh hưởng, cạn kiệt tài nguyên và làm xáo trộn đời sống dân sinh… Ngoài ra khó khăn về quản lý ranh giới dòng sông và cắm mốc cũng là một vấn đề còn tồn tại” – ông Ngọ Duy Hiểu khẳng định.

Ngoài ra, theo báo cáo số 71/BC-UBND về tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Hồng trên địa bàn huyện Phúc Thọ của UBND huyện Phúc Thọ thì cơ bản dòng chảy hiện nay trên sông Hồng đều thuộc địa giới hành chính huyện Phúc Thọ, đoạn sông Hồng qua xã Vân Hà giáp với huyện Đan Phượng, huyện Mê Linh có một phần chiều dài khoảng 400 mét thì có khoảng 1/3 dòng chảy phía Bắc thuộc địa giới hành chính của xã Trung Hà, huyện Yên Lạc, còn khoảng gần 2/3 dòng chảy ở phía bờ Nam thuộc địa giới hành chính của xã Vân Hà, huyện Phúc Thọ.

Một tàu hút cát trái phép trên địa bàn Phúc Thọ bị lực lượng chức năng bắt giữ tháng 3/2015. (Ảnh: TL)
Một tàu hút cát trái phép trên địa bàn Phúc Thọ bị lực lượng chức năng bắt giữ tháng 3/2015. (Ảnh: TL)

Trong năm 2014, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép theo phương án và thiết bị khai thác dưới lòng sông cho các tổ chức như Công ty Cổ phần Hữu Bích, Công ty Cổ phần Kenvin và Công ty TNHH An Viên, gần đây cấp phép khai thác cát cho Công ty Cổ phần TMS khoáng sản và VLXD khai thác cát dưới lòng sông.

Vẫn theo báo cáo này thì UBND TP Hà Nội không cấp phép cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào được khai thác cát dưới lòng sông Hồng thuộc địa phận huyện Phúc Thọ. Theo địa giới hành chính của tỉnh Vĩnh Phúc thì chỉ có một đoạn sông Hồng rất ngắn ở phía bờ bắc giáp huyện Mê Linh , TP Hà Nội nhưng UBND tỉnh Vĩnh Phúc lại cấp phép cho các công ty thuộc tỉnh Vĩnh Phúc khai thác cát theo phương án và thiết bị khai thác cát dươi lòng sông.

Kiến nghị cấm khai thác cát dưới lòng sông cũng là ý kiến của Đại tá Bùi Xuân Trường, Trưởng Công an huyện Phúc Thọ. Sau khi nêu ra những khó khăn trong việc đấu tranh, phòng chống và ngăn chặn về tình trạng khai thác cát trái phép dưới lòng sông Hồng, ông Trường đề nghị lãnh đạo Bộ Công an, Công an TP cung cấp thêm lực lượng cũng như các trang thiết bị cần thiết để đáp ứng công tác xử lý nạn “cát tặc”.

Hội nghị cũng được lắng nghe những ý kiến đóng góp của một số địa phương trên địa bàn huyện Phúc Thọ. Chủ tịch UBND xã Vân Hà – ông Đặng Xuân Phú cho rằng cần xử lý kiên quyết và nghiêm minh đối với các đơn vị khai thác cát trái phép. Theo ông Phú, nếu Công an huyện và UBND huyện không xử lý được trong phạm vi thẩm quyền cho phép thì đề nghị Chính phủ xử phạt các đơn vị trên. Ông Đặng Xuân Phú đề xuất: “ Tôi cho rằng, Sở TN&MT TP Hà Nội nghiên cứu đề nghị các ban ngành tỉnh Vĩnh Phúc ngăn chặn tình trạng cấp phép trái phép; Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam điều chỉnh lại địa giới hành chính để tránh tình trạng các đơn vị khai thác cát trái phép dưới lòng sông Hồng”.

Ông Lại Hồng Thanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát Khoáng sản, Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam- Bộ TN&MT phát biểu tại Hội nghị sáng 24/6.  (Ảnh: Việt Hùng - Mai Đan)
Ông Lại Hồng Thanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát Khoáng sản, Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam- Bộ TN&MT phát biểu tại Hội nghị sáng 24/6.  (Ảnh: Việt Hùng – Mai Đan)

Phát biểu tại hội nghị, ông Lại Hồng Thanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát Khoáng sản, Tổng cục Địa chất và khoáng sản – Bộ TN&MT nhận xét: Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản đã thắt chặt hơn và hiệu quả hơn. Hoạt động khai thác cát trái phép có chiều hướng giảm thông qua những con số thống kê qua các năm: năm 2012 có 47 tỉnh, thành phố, năm 2013 có 43 tỉnh, thành phố và năm 2014 giảm xuống còn 39 tỉnh, thành phố có hoạt động khai thác cát trái phép. Cách tiếp cận của Huyện ủy, UBND huyện Phúc Thọ rất quyết liệt. Tuy nhiên, ông Lại Hồng Thanh cho rằng, về mặt kỹ thuật, cách tiếp cận cần thực hiện khoa học và hiệu quả hơn. Việc xác định địa giới hành chính là phù hợp, tuy nhiên sử dụng máy GPS cầm tay chỉ có độ chính xác vừa phải.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, ông Lại Hồng Thanh cho rằng: Việc đầu tiên là phải xác định ranh giới hành chính, sau đó mới xét đến việc cấp phép của tỉnh Vĩnh Phúc. “Việc thu hồi giấy phép khai thác phải tuân thủ theo quy định của Luật. Trong Khoản 1 Điều 58 Luật Khoáng sản đã quy định những trường hợp thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản, những doanh nghiệp nào vi phạm thì mới thu hồi được, còn nếu như giấy phép khai thác của tỉnh Vĩnh Phúc cấp không đúng theo quy định thì chúng tôi sẽ kiểm tra, kiến nghị thu hồi theo quy định” – ông Thanh khẳng định.

“Thực hiện theo Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ về việc UBND các tỉnh, thành phố, trung ương lập phương án tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, đặc biệt làm rõ trách nhiệm người đứng đầu của UBND các cấp. Ngoài ra, UBND tỉnh ngoài việc ban hành phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo chương 3 Luật Khoáng sản, cần phải có quy chế phối hợp giữa UBND TP Hà Nội với nhiều địa phương như Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc để giải quyết trách nhiệm pháp lý khi rà soát cấp phép phần giáp ranh và xử lý các tổ chức cá nhân vi phạm…” Cục trưởng Cục Kiểm soát Khoáng sản Lại Hồng Thanh đề xuất.