ThienNhien.Net – “Dự thảo luật nên có quy định mở, để trong một số trường hợp có thể trưng cầu ý dân tại một số tỉnh, thành phố về các vấn đề mang tính bức xúc của địa phương như sự an toàn hồ đập, thủy điện, ô nhiễm môi trường, chia tách địa giới…” – đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) đề xuất.
Chiều 23.6, Quốc hội thảo luận ở hội trường để cho ý kiến về dự án Luật Trưng cầu ý dân.
Nên có quy định mở
Các đại biểu (ĐB) Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh), Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đều nêu quan điểm cho rằng cần quy định rõ vấn đề nào trưng cầu ý dân trên cả nước, vấn đề nào chỉ cần lấy ý kiến nhân dân ở địa phương.
ĐB Trần Xuân Hòa cho rằng: “Không nên tổ chức trưng cầu ý dân ở một địa phương hay phạm vi khu vực nhất định. Bởi lẽ vấn đề quan trọng của đất nước phải do toàn dân quyết định. Những vấn đề cụ thể mang tính địa phương hoặc khu vực thì áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân theo quy định pháp luật hiện hành”.
Tuy nhiên, theo ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận), dự thảo luật nên có quy định mở, để trong một số trường hợp có thể trưng cầu ý dân tại một số tỉnh, thành phố về các vấn đề mang tính bức xúc của địa phương. Trên cơ sở đó ĐB Niễn đề nghị phạm vi trưng cầu ý dân cần được thể hiện cả ở tầm quốc gia và địa phương.
ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) cho rằng, ở Việt Nam với đặc thù địa lý, chính trị, kinh tế – xã hội và nhận thức của người dân, ngoài quy định trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi toàn quốc cần quy định mở theo hướng trong trường hợp cần thiết Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân ở một hoặc một số tỉnh thành phố trực thuộc T.Ư về vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. “Làm như vậy sẽ tạo thuận lợi cho nhân dân địa phương đó, tránh lãng phí, hiệu quả khi công việc chỉ liên quan, tác động trực tiếp đến một địa bàn” – ĐB Thụy nêu quan điểm.
Trưng cầu ý dân khác với bầu cử
ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng trưng cầu ý dân cần phải quy định thận trọng, cần có giới hạn nội dung, phạm vi cụ thể nội dung trưng cầu ý dân để đảm bảo tính khả thi. “Trưng cầu ý dân là những vấn đề liên quan đến Hiến pháp, chỉ nên làm những vấn đề quan trọng thật cần thiết của quốc gia, liên quan nhiều trực tiếp đến đời sống nhân dân, đời sống xã hội, trong điều kiện nhất định. Khi đó trưng cầu ý dân nhằm hướng đến quyết định chính xác hơn, theo ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đạt được sự đồng thuận của toàn xã hội” – ĐB Thành góp ý.
Về cách thức trưng cầu ý dân, theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) không nên quy định như tổ chức một cuộc bầu cử. “Đọc dự thảo luật thì thấy cách tổ chức trưng cầu ý dân giống như cuộc bầu cử. Luật cần quy định sao cho tổ chức đơn giản, vì mục đích cuối cùng là lấy được ý kiến người dân càng nhiều càng tốt. Làm như bầu cử mà chấp nhận rất nhiều người đi bầu hộ, bầu thay là không thực chất” – ĐB Cương nói.
Về kết quả trưng cầu ý dân, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) góp ý, dự luật nên quy định phải có số phiếu hợp lệ tán thành nhiều hơn 50% tổng số cử tri trong danh sách, phải hơn 50% cử tri đi bỏ phiếu và số phiếu lựa chọn hợp lệ cũng phải hơn 50%. |