ThienNhien.Net – Ngày 19/06/2015, Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) ra thông cáo rằng quyết định cuối cùng của quy trình Tham vấn trước (PNPCN) đối với dự án thủy điện Don Sahong sẽ được đưa lên xem xét ở cấp chính phủ. Tuy nhiên, thông cáo không nêu rõ về quy trình cũng như khung thời gian cho quá trình thảo luận này.
Trong khi đó, ngay từ năm 2013, cầu, đường vào khu vực xây đập và lán trại cho công nhân của dự án thủy điện Don Sahong đã được khởi công, đồng thời việc đàm phán các Hợp đồng Chuyển nhượng, Thiết kế, Mua sắm và Xây dựng của dự án cũng đang được tiến hành.
Đáp lại thông cáo của MRC, đại diện Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (IR), Giám đốc Chương trình Đông Nam Á – bà Ame Trandem cho rằng: Với các tác động xuyên biên giới nghiêm trọng về xã hội, kinh tế và môi trường, Đập thủy điện Don Sahong và quy trình ra quyết định của dự án này sẽ có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với vùng Mê Kông. Chính vì vậy, các nước thành viên MRC cần cung cấp thêm thông tin liên quan đến các thảo luận của Hội đồng MRC về vấn đề này cho đến nay, cũng như quan điểm của mỗi quốc gia đối với dự án.
Đồng thời, Mạng lưới Sông ngòi Quốc tế cũng kêu gọi bốn chính phủ hành động có trách nhiệm và dứt khoát bằng những bước đi khẩn cấp nhằm bảo vệ tương lai của dòng sông và người dân Mê Kông, thông qua việc tạm dừng hoạt động xây dựng và các đàm phán liên quan đến đập Don Sahong cho đến khi các đánh giá tác động xuyên biên giới toàn diện và nghiên cứu sâu hơn được thực hiện như đề xuất của Campuchia, Thái Lan và Việt Nam.
Ngoài ra, IR cũng kêu gọi chính phủ các quốc gia Mê Kông và MRC làm rõ cách thức thảo luận tiếp theo liên quan đến dự án thủy điện Don Sahong, đồng thời đảm bảo quy trình trên được minh bạch và có sự tham gia của người dân Mê Kông.
Tìm giải pháp giảm thiểu tác động thủy điện đối với Sông Mê Kông
Multiconsult – công ty tư vấn kĩ thuật và thiết kế tại NaUy và Scandinavia, đang thực hiện dự án nghiên cứu các biện pháp giảm thiểu tác động của các dự án thủy điện được quy hoạch hoặc đang vận hành trên dòng chính và các dòng nhánh lớn thuộc Hạ lưu vực Mê Kông. Dự án này được thực hiện với sự tham gia của Deltares, Viện nghiên cứu độc lập trong lĩnh vực tài nguyên nước thông qua Sáng kiến Thủy điện Bền vững (Initiative for Sustainable Hydropower -ISH). Theo đó, nghiên cứu bước đầu đánh giá rủi ro và tác động chính của các dự án, từ đó xác định mức độ thành công của các khuyến nghị giảm thiểu rủi ro và rút ra bài học. Các khuyến nghị này cũng sẽ được kiểm chứng về mặt chi phí và lợi ích, giúp cân nhắc các cách thức đồng vận hành hệ thống thủy điện hoặc các biện pháp giảm thiểu rủi ro như quản lý trầm tích, lũ lụt, an ninh đập, ứng phó khẩn cấp vv… (Theo Tạp chí Water Power) |