ThienNhien.Net – Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Viện Điều tra Quy hoạch rừng đang gấp rút triển khai hoàn thiện, bổ sung quy hoạch mắc ca trên cả nước, dự kiến hoàn thành trong tháng 8/2015.
Từ năm 2012, Viện Điều tra Quy hoạch rừng đã từng thực hiện việc quy hoạch cây mắc ca, tuy nhiên do đây là cây trồng mới được đưa vào Việt Nam, thực trạng SX, khảo nghiệm chưa được triển khai trên diện rộng và căn cứ tin cậy nên quy hoạch mắc ca trước đây còn gặp nhiều hạn chế, chủ yếu chỉ căn cứ vào đánh giá sơ bộ về khả năng thích nghi với sinh thái các vùng nói chung tại nước ta.
Trước tình hình mắc ca có dấu hiệu phát triển nóng, bên cạnh việc đưa ra các định hướng phát triển, Bộ NN-PTNT đã giao Viện Điều tra Quy hoạch rừng trong năm 2015 khẩn trương hoàn thiện, bổ sung về quy hoạch cho cây mắc ca, trong đó phải gắn với tình hình cung – cầu của thị trường trong nước và quốc tế, gắn với định hướng liên kết SX thành ngành hàng…
Theo kế hoạch, quy hoạch sẽ bổ sung một số nội dung như: cập nhật hiện trạng sử dụng đất để xác định diện tích, địa bàn trồng mắc ca cụ thể; cập nhật diện tích trồng mới, bổ sung khâu khảo sát thị trường, cơ sở chế biến, giá thành, hiệu quả KT-XH; đánh giá triển vọng của các mô hình hiện có, trên cơ sở đánh giá cung cầu thế giới; đánh giá công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch, đề xuất xây dựng các cơ sở chế biến, vị trí quy mô công suất, công nghệ; phân tích so sánh hiệu quả KT-XH và môi trường giữa mắc ca và cây trồng khác, giữa trồng thuần và trồng xen, giữa các địa bàn với nhau…
Đặc biệt, việc đánh giá và đề xuất các mô hình quản lý, liên kết SX chế biến và tiêu thụ mắc ca sẽ là khâu đặc biệt chú trọng.
Từ đầu tháng 6/2015, Viện Điều tra Quy hoạch rừng đã gấp rút triển khai bổ sung quy hoạch, bố trí 2 nhóm đi thực địa thu thập thông tin, rà soát các mô hình khảo nghiệm mắc ca tại 4 tỉnh Tây Bắc (gồm Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu và Điện Biên) và 4 nhóm tiến hành đi rà soát thực địa tại 4 tỉnh Tây Nguyên gồm Lâm Đồng, Đăk Nông, Đăk Lăk và Gia Lai. Các diện tích được kiểm tra, khảo sát chỉ bao gồm mắc ca được trồng từ năm 2012 trở về trước. Hiện tại, Viện đã có một số thông số chính xác về thực trạng SX mắc ca tại 2 vùng chính. Cụ thể:
Tại Điện Biên có 3 mô hình, trong đó 2 mô hình trồng năm 2012, đến năm 2015 bắt đầu cho quả bói. Tỷ lệ cây bói quả đạt 35-40%, số lượng quả từ 4-45 quả/cây; một mô hình trồng năm 2008, năng suất 2014 đạt 0,8 tấn quả tươi/ha.
Tại tỉnh Lai Châu có 3 mô hình trồng năm 2012, đến 2015 đã cho quả bói. Tỷ lệ cây bói quả đạt 30-35%, số quả từ 2-80 quả/cây.
Tại tỉnh Sơn La, có tổng cộng 10 mô hình, trong đó 5 mô hình trồng năm 2003, năng suất các năm gần đây khoảng 1,5 tấn quả tươi/ha; một mô hình trồng năm 2011 (tại Thuận Châu) năm 2015 bắt đầu ra quả bói, tỷ lệ cây bói quả đạt 60-65%, số quả từ 7 – 90 quả/cây. Riêng 4 mô hình trồng năm 2009 tại Mộc Châu đến nay không cho quả. Tại Tây Bắc hiện chưa có cơ sở chế biến mắc ca nào, chỉ có một đơn vị SX giống tại TP Điện Biên.
Tại Tây Nguyên, Viện Điều tra Quy hoạch rừng dự kiến sẽ rà soát, điều tra cụ thể tại 45 mô hình trồng mắc ca. Tại Lâm Đồng, hiện đã rà soát được 25 mô hình mắc ca 9 tuổi, trong đó có 22 mô hình thành công, năng suất trung bình 28 kg hạt tươi/cây, 3 mô hình thất bại (không có quả). Ở Đăk Nông, hiện đã khảo sát được 3 mô hình mắc ca 4 năm tuổi, năng suất đạt 5 kg quả/cây, cơ bản thành công.
Theo ông Nguyễn Huy Thiềng, Phó viện trưởng Viện Điều tra Quy hoạch rừng, Viện sẽ cố gắng hoàn thiện điều tra đánh giá, có báo cáo quy hoạch trình Bộ NN-PTNT trong tháng 8/2015.
“Đến nay, các diện tích mắc ca trồng năm 2012 trở về trước tương đối lớn và diện rộng, vì vậy việc điều tra, thu nhập dữ liệu và đánh giá toàn diện để làm căn cứ quy hoạch chi tiết cho các tiểu vùng là rất thuận lợi” – ông Thiềng đánh giá.