Bắc Kạn: Nhức nhối nạn săn bắn trái phép thú rừng

ThienNhien.Net – Từ nhiều năm nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, nạn săn bắn trái phép thú rừng vẫn xảy ra. Hành vi này không chỉ vi phạm những quy định của pháp luật về bảo vệ rừng, động vật quý hiếm, mà còn để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc, trong đó đã có những trường hợp tử vong do tai nạn súng săn…

Vào dịp giữa tháng 6-2015, về Bắc Kạn và trong vai một lái buôn muốn kiếm món “đặc sản rừng” mang về xuôi kiếm lời, chúng tôi tiếp cận được với ông Hoàng, một “tay súng” có tiếng ở khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể. Ông Hoàng cho biết, để tránh cơ quan chức năng phát hiện thì súng, đạn phải cất giấu trong rừng. Hằng ngày, những “thợ săn” đi người không vào rừng, lấy súng đi bắn thú rừng, sau đó giấu súng đi và mang “chiến lợi phẩm” về bán cho thương lái. Với giá cầy hương, lợn rừng bán buôn cho các nhà hàng từ 400.000-500.000 đồng/kg, các loại khác thì cao hơn; ngày gặp may cũng kiếm được vài ba triệu đồng. Còn nếu bắn bị thương mà bắt được các loại như khỉ, voọc còn sống thì coi như bắt được vàng.

Khi chúng tôi hỏi hiện có “hàng” không, thì ông Hoàng trả lời là không có. Song, lại đưa cho chúng tôi địa chỉ lái buôn tên Quỳnh ở thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn và nói đến đó muốn mua loại thịt thú rừng nào cũng có.

 Người dân huyện Ngân Sơn tự nguyện mang nộp súng săn cho cơ quan công an.

Người dân huyện Ngân Sơn tự nguyện mang nộp súng săn cho cơ quan công an (Ảnh: Văn Tới)

Theo lời giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà ông Quỳnh và không khỏi ngỡ ngàng trước cơ ngơi bề thế của ông chủ buôn này. Mở chiếc tủ bảo ôn, ông Quỳnh giới thiệu với chúng tôi các loại đặc sản thú rừng và cho biết, hầu hết loại hàng này được chuyển về xuôi tiêu thụ, chứ ở địa phương không mấy ai có tiền ăn những thứ xa xỉ như vậy.

Sau đó chúng tôi tìm gặp ông Tín, một thợ săn lão luyện ở bản Tưn-bản vùng sâu huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Đã nhiều năm trong nghề, ông Tín không còn nhớ mình đã bắn hạ bao nhiêu con thú, nhưng ông lại nhớ rất rõ về các loại thú rừng mà ông đã bắn hạ, trong đó chủ yếu là lợn rừng, hoẵng, những loài chim quý hiếm…

Ông Tín cho biết, từ khi UBND tỉnh có chủ trương vận động người dân nộp súng săn, thì ông và những thợ săn trong vùng phải mang súng săn đi cất giấu, khi cần mới đem ra sử dụng. Chúng tôi hỏi ông có biết săn bắn thú rừng trái phép là vi phạm những quy định về nghiêm cấm săn bắn động vật quý hiếm không? Ông Tín không ngần ngại trả lời: “Do ruộng nương ít, cuộc sống nghèo và cũng do thói quen săn bắn rồi, không bỏ được…”.

Được biết, thực hiện Chỉ thị số 16/CT-QH ngày 30-6-2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc “Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ”, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Chỉ thị số 36/CT-TU về vấn đề này. Đến nay, chỉ thị đã phát huy tác dụng đáng kể. Trên khắp địa bàn tỉnh đã có hàng trăm khẩu súng săn, hàng trăm viên đạn tự chế được người dân tự nguyện nộp cho cơ quan chức năng. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn tự chế súng, tàng trữ súng làm công cụ săn bắn; đặc biệt tại các bản vùng sâu, vùng xa, vùng lõi Vườn Quốc gia Ba Bể, nơi địa phương, Nhà nước đang ra sức bảo tồn nhiều loại động, thực vật quý hiếm.

Vấn nạn săn bắn thú rừng trái phép ở tỉnh Bắc Kạn không chỉ vi phạm các quy định của pháp luật, mà còn làm cạn kiệt số lượng thú rừng, gây tác động xấu đến môi trường sinh sống của thú rừng. Nhưng đáng báo động hơn là việc săn bắn thú rừng lén lút đã gây những hệ lụy thương tâm. Còn nhớ, năm 2009, Hoàng Văn Dinh (thôn Pù Nùng, xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn) đi săn bắn đêm, bắn nhầm vào anh Ngô Văn Tá cùng thôn, gây tử vong; hay ngày 2-11-2012, tại trung tâm Vườn Quốc gia Ba Bể, Triệu Trung Tiền (sinh năm 1975, trú tại thôn Nà Kiêng, xã Khang Ninh, huyện Ba Bể) dùng súng tự chế đi săn và bị cướp cò. Tiền chết tại chỗ, bỏ lại gia cảnh khốn khó cùng người vợ trẻ và con thơ…

Mới đây, ngày 24-2-2015, Hà Văn Toàn (sinh năm 1974, trú tại bản Lắc, xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn) mang súng tự chế vào rừng để săn. Khi phát hiện dưới khe có bóng đen tưởng là thú rừng đã nổ súng làm ông Trương Phúc Bạo (sinh năm 1961, người cùng ở Bản Lắc) cũng vào rừng đi săn bị trúng đạn, chết tại chỗ…

Bắc Kạn được thiên nhiên ưu đãi có những cánh rừng bạt ngàn với nhiều loại gỗ quý, là ngôi nhà lý tưởng của nhiều loại động vật quý hiếm… Thiết nghĩ, để bảo tồn, ngoài việc có các chế tài đủ mạnh để quản lý súng săn, các cấp chính quyền, cơ quan, đoàn thể xã hội cần có biện pháp tuyên truyền, vận động người dân giao nộp súng săn và ký cam kết không sử dụng súng săn để săn bắn trái phép thú rừng. Bên cạnh đó, tăng cường tuần tra, phát hiện và xử lý nghiêm những đối tượng cố tình vi phạm và ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã trên địa bàn.