ThienNhien.Net – Chính phủ Ấn Độ mới đây đã thông qua kế hoạch phát triển điện năng từ các nguồn tái tạo để đến năm 2022, khối lượng điện được tạo từ năng lượng Mặt trời của Ấn Độ dự kiến tăng đến 100 GW, giúp nước này trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới về năng lượng Mặt Trời.
Theo đó, Ấn Độ sẽ xây dựng hai nhà máy điện năng lượng Mặt trời. Những tấm pin Mặt trời bố trí trên nóc các toà nhà thành phố và làng quê sẽ sản xuất ra khoảng 40 GW điện, còn 60 GW sẽ được tạo ra từ các nhà máy điện trong mạng lưới khổng lồ, vốn được mệnh danh là “các trang trại năng lượng Mặt trời”.
Nguồn điện sạch từ năng lượng Mặt trời sẽ cho phép Ấn Độ chống tình trạng ô nhiễm không khí mà một trong những nguyên nhân là đốt cháy than đá và các dạng nhiên liệu khác trong nhà máy nhiệt điện. Trong tuyên bố của mình, Chính phủ Ấn Độ cho biết điện Mặt trời sẽ đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn cho Ấn Độ, giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch, tiết kiệm dự trữ ngoại tệ của đất nước và giảm tác hại với môi trường.
Điện Mặt trời hấp dẫn bởi giá thành thấp, không ràng buộc với mức tăng giá của các loại nhiên liệu hoá thạch. Báo chí Ấn Độ đã ví dự án phát triển năng lượng Mặt trời như là cuộc “cách mạng xanh” lần thứ hai. Cuộc cách mạng đầu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp hồi giữa thế kỷ XX đã xoá bỏ nạn đói trên khắp cả nước.
New Delhi sẽ cần khoảng 100 tỷ USD để thực hiện dự án quy mô lớn này.