ThienNhien.Net – Chỉ cần nộp sổ đỏ làm tin, cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có thể được vay vốn sản xuất với lãi suất ưu đãi. Nếu gặp thiên tai, dịch bệnh, họ sẽ được gia hạn nợ và cho vay mới.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 55/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, có hiệu lực từ ngày 1-8. Theo đó, cá nhân, tổ chức được vay vốn ngân hàng (NH) từ 50 triệu đến 3 tỉ đồng mà không cần tài sản thế chấp. NH và bên vay thỏa thuận lãi suất, thời hạn vay.
Lãi suất không quá 7%/năm
Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành quy định cho vay ngắn hạn (dưới 12 tháng) đối với lĩnh vực nông nghiệp, lãi suất không quá 7%/năm.
NH Nhà nước cũng định hướng NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) thực hiện cho vay trung và dài hạn với lãi suất thấp, tạo động lực cho các đối tượng ở nông thôn mở rộng sản xuất. Lãnh đạo Agribank cho biết đang chuẩn bị các văn bản hướng dẫn toàn hệ thống đồng loạt triển khai cho vay tín chấp nông nghiệp theo hướng thông thoáng hơn.
Theo NH Nhà nước, Agribank luôn nhận được vốn giá rẻ từ NH Nhà nước và được phép trích lập dự trữ bắt buộc ở mức thấp, giúp hạ chi phí đầu vào dẫn đến lãi suất cho vay trung và dài hạn khá mềm. Đơn cử, NH Nhà nước giao Agribank cho vay tái canh cà phê tại 5 tỉnh Tây Nguyên với hạn mức từ 80-150 triệu đồng/ha, lãi suất không quá 7%, thời hạn 4-8 năm, trong đó thời gian ân hạn nợ gốc và lãi là 2-4 năm.
Giữ sổ đỏ để làm tin
Nghị định 55 quy định bên vay phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) hoặc giấy xác nhận chưa được cấp sổ đỏ cho NH.
Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng – NH Nhà nước, cho biết sổ đỏ nộp cho NH chỉ là một vật chứng thể hiện niềm tin quan hệ tín dụng. Bởi lẽ, NH không thực hiện các thủ tục thế chấp tài sản. Vì thế, khi bên vay không trả được nợ, NH không dùng sổ đỏ để xử lý theo hướng phát mãi tài sản mà sẽ đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ nông dân khắc phục khó khăn.
“NH giữ sổ đỏ là để tránh tình trạng khách hàng lợi dụng chính sách cho vay tín chấp. Ví dụ, hộ nông dân đã vay tín chấp tại NH A nhưng dùng sổ đỏ làm tài sản thế chấp tiếp tục vay tiền NH B với nhiều mục đích khác nhau, làm phân tán nguồn lực, dẫn đến mất khả năng trả nợ” – ông Đông phân tích.
Đồng tình với quy định này, ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Thức ăn gia súc Thanh Bình, cho rằng NH giữ sổ đỏ là hợp lý bởi không thể cho vay mà không có gì làm tin. “Công ty của tôi từng giữ hàng trăm sổ đỏ của nông dân. Đến mùa thu hoạch, bà con sẽ trả nợ và lấy sổ đỏ ra. Vì thế, NH cho vay tín chấp vẫn dễ thu hồi được vốn và lãi, bởi nông dân vay số tiền không nhiều. Giả sử toàn bộ nông dân của một huyện có mắc nợ NH thì chỉ bằng một đại gia ở thành phố lớn nợ” – ông so sánh.
Theo ông Võ Văn Châu, Tổng Giám đốc NH TMCP Kiên Long (KienlongBank), cho vay nông nghiệp luôn có độ rủi ro cao nên các NH thương mại rất thận trọng. Nếu NH giữ sổ đỏ cũng không có ý nghĩa vì không ai dám đụng chạm đến đất đai của nông dân. “KienlongBank sẵn sàng cho vay tín chấp nếu hộ nông dân, HTX nông nghiệp… chứng minh được đầu ra sản phẩm” – ông khẳng định.
Nên mua bảo hiểm sản xuất nông nghiệp
Điều mà nhiều người quan ngại là sau khi vay tín chấp, nếu chẳng may hộ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp gặp thiên tai, dịch bệnh, mất mùa… dẫn đến mất khả năng trả nợ thì NH đối mặt nguy cơ mất vốn vì không có “phao cứu sinh” là tài sản thế chấp.
Để xử lý tình huống này, Nghị định 55 cho phép NH cơ cấu lại thời hạn nợ và cho vay mới. Theo đó, nếu khách hàng chưa trả được nợ do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, NH sẽ cơ cấu lại thời hạn trả và giữ nguyên nhóm nợ. NH cũng căn cứ vào tính khả thi của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh để xem xét cho vay mới, giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, tiến tới trả được cả nợ cũ và nợ mới.
Trường hợp thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng, UBND tỉnh, thành phố sẽ đánh giá cụ thể thiệt hại. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ cho phép NH khoanh nợ không tính lãi 2-3 năm. Số tiền lãi mà NH không thu được sẽ do ngân sách nhà nước cấp tương ứng.
Tuy nhiên, để chủ động ứng phó mọi rủi ro, lãnh đạo một số NH khuyến cáo người vay tín chấp nên mua bảo hiểm sản xuất nông nghiệp. Khi đó, NH sẽ giảm lãi suất cho vay ít nhất là 0,2%/năm nhằm bù đắp phí bảo hiểm cho khách hàng.
Ông Phan Văn Phúc, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tân Hiệp (TP HCM), cho rằng lãi suất cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp ở mức 7%/năm vẫn còn cao vì thị trường này hết sức bấp bênh, lợi nhuận thấp, các khâu sản xuất luôn đối mặt nhiều rủi ro. |
7 lĩnh vực cho vay tín chấp – Cho vay các chi phí phục vụ quá trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ. – Cho vay phục vụ sản xuất công nghiệp, thương mại và cung ứng các dịch vụ trên địa bàn nông thôn. – Sản xuất giống trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, trồng rừng và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ quá trình sản xuất nông nghiệp. – Phát triển ngành nghề tại địa bàn nông thôn. – Phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. – Các nhu cầu phục vụ đời sống của cư dân trên địa bàn nông thôn. – Cho vay theo các chương trình kinh tế liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ. |
Ý KIẾN
TS. Võ Mai – Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam: Đẩy mạnh chuỗi liên kết Lâu nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp nhưng lĩnh vực này vẫn phát triển èo uột. Nguyên nhân sâu xa không phải do tín dụng mà chính là vì chuỗi liên kết sản xuất còn yếu, trong đó khâu quan trọng nhất là nông dân – doanh nghiệp (DN) nhằm bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Chính phủ Thái Lan từng đưa ra chính sách 5 nông dân liên kết với nhau được cấp một số vốn nhất định để đầu tư sản xuất. Trong khi đó, tại Việt Nam, vấn đề liên kết chuỗi sản xuất được bàn luận rất nhiều nhưng vẫn chưa làm được. Do đó, muốn sản phẩm luôn có đầu ra, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường, đủ điều kiện vay vốn tín chấp, nhà nước cần môi giới để nông dân liên kết nông dân, DN liên kết nông dân, DN liên kết DN; đồng thời ban hành chính sách khuyến khích liên kết. Mặt khác, ban chỉ đạo nông thôn mới tại các địa phương cần sớm xây dựng mô hình liên kết làm mẫu rồi nhân rộng khắp cả nước. Ông Nguyễn Văn Thuận – Trưởng Khoa Tài chính – Ngân hàng Trường Đại học Mở TP HCM: Sản phẩm có đầu ra mới ổn Hộ nông dân, HTX nông nghiệp, chủ trang trại… vay tín chấp hay thế chấp đều phải có đầu ra sản phẩm thì ngân hàng (NH) mới dám cho vay. Dù nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ rủi ro cho người vay nhưng nhiều NH thương mại cổ phần sẽ không mặn mà bởi họ huy động vốn chủ yếu từ dân và cổ đông. Giả sử vì yếu tố khách quan nào đó khiến bên vay không trả được nợ, đồng nghĩa NH gia tăng nợ xấu, buộc phải trích lập dự phòng, giảm lợi nhuận, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Vì thế, khi người vay mất khả năng chi trả, nhà nước cần kịp thời hỗ trợ chi phí huy động vốn. Khi đó, NH mới mạnh dạn cho vay tín chấp nông nghiệp. Ông Lưu Hồng Triển – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trang trại TP HCM: Nông dân yên tâm sản xuất Các chủ trang trại thường kết nối với DN bao tiêu sản phẩm hoặc tham gia chuỗi liên kết sản xuất… nên đáp ứng được điều kiện vay vốn tín chấp. Ví dụ, chủ trang trại bò sữa có thể kết nối với Vissan, NutiFood… để 2 DN này bao tiêu đầu ra cho thịt bò và sữa. Việc nhà nước hỗ trợ rủi ro trong sản xuất nông nghiệp sẽ giúp người vay mạnh dạn đầu tư phát triển trang trại. NH giảm lãi suất cũng khuyến khích nông dân mua bảo hiểm nông nghiệp, không lo mất vốn nếu gặp phải thiên tai, dịch bệnh… |