ThienNhien.Net – Đó là kết luận của một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học thuộc NASA thông qua phân tích dữ liệu từ vệ tinh.
Trong một thập niên qua, chuyên gia phát hiện, 21 trên tổng số 37 tầng chứa nước ngọt lớn nhất trên toàn cầu (những hồ nước lớn dưới mặt đất được tạo thành từ thẩm thấu nước và tuyết) đang suy giảm. Đặc biệt đáng báo động là tầng chứa nước Indus Basin, một nguồn cung nước cho Ấn Độ, đã cạn kiệt đi nhanh chóng. Tương tự, tầng chứa nước Central Valley của California đã trở thành nơi khô cạn nhất trong số các tầng chứa nước ở Mỹ.
Việc suy giảm nguồn nước không phải là cảnh báo bất ngờ. Every Little Drop, một tổ chức bảo tồn nguồn nước cho biết, từ năm 1900-2000, lượng nước được sử dụng trên thế giới tăng gấp 6 lần và Liên hợp quốc dự đoán tình hình này sẽ “tệ hơn” vào năm 2030. Hạn hán xảy ra khắp mọi nơi trên thế giới, trừ Nam Cực. Khoan ngầm để khai thác tài nguyên thiên nhiên như vàng, sắt, dầu mỏ ảnh hưởng tới các tầng chứa nước, top 3 các tầng chứa nước bị suy kiệt nhanh nhất đều nằm ở khu vực Trung Đông.
Mặc dù các công nghệ hiện đại đã được nghiên cứu để tạo ra nước ngọt từ các nguồn nước khác nhau nhưng việc ứng dụng rộng rãi còn xa vời. Vậy nên, nếu không quản lý và tái tạo nguồn nước hợp lý, con người sẽ đứng trước “cuộc chiến” giành nước ngọt trong tương lai gần.