ThienNhien.Net – Việc vạt gốc thông rồi đổ thuốc độc vào thân cho cây chết (thường gọi là “ken cây”) diễn ra ở Lâm Đồng từ nhiều năm nay. Sau khi cây chết, đối tượng tiến hành đốn hạ hàng loạt để lấy đất trồng cà phê, trồng cây ăn trái…
Nhiều cánh rừng thông dọc theo tuyến lộ 723, dọc theo những con đường đất mới mở ở Bảo Lâm, Bảo Lộc… đã đồng loạt ngã xuống nhường chỗ cho cây cà phê, hồng… Điều đáng nói, với những cánh rừng thông bị tác động tiêu cực kiểu này không mấy khi cơ quan chức năng bắt tại trận đối tượng vi phạm mà thường là phát hiện khi nó đã có cây trồng khác thay thế. Lúc ấy, cùng lắm là người trồng cà phê, hồng… bị “kết” cho cái tội canh tác nông nghiệp trái phép trên đất lâm nghiệp; còn việc ken cây coi như… chuyện đã rồi.
Mới đây nhất, Công an TP.Bảo Lộc đã bắt khẩn cấp Phạm Văn Hải (sinh năm 1969, trú tại xã Đạm Bri, TP.Bảo Lộc) về hành vi hủy hoại rừng. Bước đầu, Hải khai nhận đã cùng với hai người khác tiến hành vạt gốc và đổ thuốc độc vào 684 cây thông ba lá hơn 10 năm tuổi trên diện tích 2,6ha thuộc tiểu khu 466A xã Đam Bri, TP.Bảo Lộc với mục đích lấy đất sản xuất. Ngoài Công an TP.Bảo Lộc với vụ đầu độc 684 cây thông đã tìm ra thủ phạm, Công an huyện Bảo Lâm cũng đang điều tra làm rõ vụ đầu độc và chặt hạ hơn 300 cây thông hơn 20 năm tuổi tại xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm.
Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cho biết, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nạn đầu độc rừng, nhất là đối với rừng thông, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thành lập 4 đoàn kiểm tra do lãnh đạo các đầu ngành làm trưởng đoàn và tiến hành kiểm tra tình hình quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại các huyện trọng điểm phá rừng, ken cây; thời gian kiểm tra từ ngày 10 – 20.6.
“Do không làm, hoặc làm với trách nhiệm không cao thì mới “vắng chủ” như lâu nay. Chứ còn thực sự bắt tay vào việc, làm có trọng tâm, trọng điểm như mấy ngày qua thì “ra” hết, là bắt tại trận kẻ ken cây ngay thôi!” – một cán bộ của Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng nói. Vị cán bộ này còn nói thêm: “Cây thông chứ đâu phải nào que củi!”.