ThienNhien.Net – Đợt nắng nóng trong tháng 5 và 6 là đợt nắng nóng khốc liệt nhất trong 30 năm qua ở Nghệ An. Đây cũng là thời điểm lúa xuân ngoài đồng chín rộ, vụ hè thu đang cận kề. Đối với huyện lúa Yên Thành, nơi được coi là “vựa thóc” của tỉnh, những ngày giữa tháng 5, đầu tháng 6 là “ngày làm tháng ăn” của bà con nông dân. Vì thế, cùng với các cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban quản lý các HTX nông nghiệp ở Yên Thành phải “gồng mình” chống hạn, đẩy nhanh tiến độ thu chiêm, làm hè thu, trả lại mầu xanh cho đồng ruộng.
Huy động sức dân làm thủy lợi nội đồng
Về xã Công Thành, chúng tôi được chứng kiến cả xã ra quân chống hạn, làm thủy lợi nội đồng, tạo thêm nguồn nước tưới để gieo cấy hè thu. Mới 9 giờ sáng mà nắng như đổ lửa, trải vàng xuống cánh đồng vừa thu hoạch xong vụ lúa xuân được mùa. Đến cánh đồng nào cũng thấy nhấp nhô mũ, nón, tiếng máy cày làm đất đổ ải, tiếng người gọi nhau làm thủy lợi rộn vang. Chủ nhiệm HTX Quyết Tiến (xã Công Thành)
Phan Trọng Tuyên chia sẻ: “Chưa có năm nào nắng nóng như năm nay. Các thành viên của HTX sản xuất trên diện tích 220 ha ruộng hai vụ lúa đều sử dụng nguồn nước của ba trạm bơm điện và hàng chục máy động cơ huy động trong dân. Với tinh thần “chống hạn như cứu hỏa”, chúng tôi huy động mọi nguồn lực trong dân, dùng máy cày đa chức năng để bơm nước, dùng gàu guồng tát chuyền hai ba bậc. Cả 2.000 xã viên bất chấp nắng lửa, gió lào ra đồng làm thủy lợi, đắp bờ vùng bờ thửa, nạo vét kênh mương”.
Khí thế ra quân “thu chiêm, làm hè thu” có sức lan tỏa rộng khắp không những ở Công Thành mà còn cuốn hút đông đảo cán bộ, nhân dân ở cả 39 xã, thị trấn trong huyện. Các đồng chí huyện ủy viên, bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã, chủ nhiệm HTX được giao từng mũi công tác, nhất là tháo gỡ những việc mà dân đang quan tâm. Huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng về cơ sở mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT về cây trồng, vật nuôi, thâm canh các loại giống mới, giải ngân cho hộ nghèo vay vốn, cung ứng đầy đủ vật tư, phân bón, thóc giống cho bà con nông dân. Kết quả là đã tu bổ, bồi trúc nạo vét thông dòng chảy cho hơn 100 km kênh cấp I, cấp II của hệ thống thủy nông Đô Lương chảy qua địa bàn huyện, nâng diện tích lúa thâm
canh được hưởng nguồn nước tưới của hệ thống thủy nông lên 8.500 ha. Diện tích lúa, màu còn lại thì sử dụng nước ở 120 hộ đập lớn nhỏ và hệ thống bơm điện. Nông dân ở các xã vùng đồi núi thì tận dụng nước ở khe suối, ao đầm, hoặc kéo điện ra vùng đất bãi đào giếng khoan để lấy nước tưới cho rau màu, tắm mát cho đàn gia súc. Tính ra, vụ này mỗi xã đào đắp từ 1.200 đến 1.500 m3 đất thủy lợi, đào từ 30 đến 40 giếng khoan, sản xuất chế biến từ 18 nghìn đến 20 nghìn tấn phân chuồng, phân xanh thâm canh các loại cây trồng vụ hè thu.
Nỗ lực khống chế khô hạn, nắng nóng
Toàn huyện có hơn 70 nghìn hội viên nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, xã viên HTX, làng nghề. Đây là lực lượng nòng cốt trong làm giao thông nội đồng, xây dựng nông thôn mới. Ở những xã có diện tích lúa thâm canh nhiều (từ 500 đến 585 ha) như Thọ Thành, Đô Thành, Nhân Thành, Long Thành, Vĩnh Thành đã lấy lực lượng đoàn thể quần chúng làm mũi chủ công khống chế nắng nóng, thu hẹp diện tích bị khô hạn, đẩy nhanh nhịp độ thu hoạch lúa xuân, làm vụ hè thu.
Cả 24 xã trọng điểm lúa, màu của huyện đã tạo được cách làm cuốn chiếu dứt điểm từng vùng đồng, chuyển 100% số lao động trẻ sang làm đất đổ ải, vận chuyển vật tư phân bón, chuyển mạ đến từng chân ruộng để chị em phụ nữ rảnh tay cấy lúa. Các khâu tuốt lúa vụ xuân, chuyển thóc vào nhà được chuyển về đêm, lợi dụng ánh điện, ánh trăng để làm.
Những ngày cao điểm nắng nóng, xã nào cũng mở hội tát nước đêm trăng, thu hút hàng nghìn người tham gia. Xã nào cũng huy động tối đa sức người, sức của và dành phần lớn ngày công để chống hạn cứu lúa. HTX nào cũng huy động từ 35 đến 40 cán bộ thủy nông thường xuyên ứng trực, tăng công suất máy bơm tại các trạm bơm điện, canh giữ các cửa cống, thực hiện nghiêm lịch cấp nước của huyện, hướng dẫn bà con nông dân cách tưới nước luân phiên để giữ độ ẩm cho lúa, vừa tiết kiệm nước. Đã có hơn 100 máy bơm điện dọc đôi bờ sông Dinh, kênh Biên Hòa, kênh Vách Bắc hoạt động hết công suất. Trong khi trời nắng nhức mắt, nước vẫn chan hòa reo quanh chân lúa.
Vất vả là vậy nhưng đi đến đâu cũng bắt gặp niềm vui của bà con nông dân: Vui vì vụ xuân này Yên Thành được mùa lớn. Trên diện tích 13.000 ha lúa, năng suất đạt bình quân 70 tạ/ha. với sản lượng hơn 90.000 tấn thóc. Vui bởi xã nào, HTX nào cũng không để xảy ra khô hạn cục bộ, không có xóm bỏ ruộng đồng hoang hóa mà phủ kín mầu xanh no ấm của các loại cây trồng…
Chủ tịch UBND huyện Yên Thành Nguyễn Tiến Lợi cho biết: Chỉ tính trong vụ hè thu này, huyện và các xã đã đầu tư hàng chục tỷ đồng, hàng vạn ngày công để làm giao thông thủy lợi, tu bổ, nâng cao thân đập cho hơn 100 hồ đập, lắp đặt thêm hàng chục trạm bơm điện dã chiến… Bà con lương giáo ở cả 39 xã, thị trấn trong huyện đồng lòng làm cuộc cách mạng xanh trên đồng ruộng. Nhờ vậy, đến ngày 8-6-2015, cả huyện đã hoàn thành chiến dịch “thu chiêm, làm hè thu”, thu hoạch xong 15.500 ha lúa màu vụ xuân, trong đó có 13.000 ha lúa, trả lại mầu xanh cho đồng ruộng với diện tích hơn 12.000 ha lúa hè thu được cấy trong khung thời vụ tốt nhất.