ThienNhien.Net – Những năm qua, hàng vạn hộ dân trên địa bàn Hà Nội đỏ mắt chờ đất dịch vụ (ĐDV). Nhiều quận, huyện quá hạn trả nợ ĐDV vẫn chưa biết lấy đất ở đâu.
Nhiều trường hợp mua đi bán lại nhiều lần, vẫn chưa biết ĐDV nằm ở chỗ nào. Với sự chỉ đạo tích cực của UBND TP, các quận, huyện đang rốt ráo tập trung “xoay” đủ quỹ đất trả nợ cho dân.
Sống trong chờ đợi
Thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, chuyển đổi nghề bằng hình thức giao ĐDV cho các hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp bị thu hồi theo Nghị định 17/2006/CP và Nghị định 84/2007/CP của Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện phải hoàn thành việc giao ĐDV để ổn định đời sống cho người dân. Các địa phương phải đền bù đất cho các hộ dân bị thu hồi hơn 30% đất nông nghiệp để phục vụ các dự án phát triển giao thông, đô thị. Thế nhưng, công tác này nhiều năm qua vẫn ì ạch.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Ngô Văn Đạt, 56 tuổi, ở tổ 4, thôn Gia Thượng, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh cho biết, năm 2004, toàn bộ ruộng đất của gia đình ông với diện tích hơn 3.000m2 bị thu hồi, trong khi mức bồi thường, hỗ trợ 16 triệu đồng/sào (tương đương 360m2). Gia đình quanh năm làm nghề nông, nên khi bị thu hồi tới 100% đất ruộng, hai vợ chồng ông không thể chuyển đổi sang nghề khác bởi đã quá tuổi. Trong gia đình có tới 4 người con đang tuổi ăn tuổi học, vậy là ông nông dân ngày nào phải chuyển sang làm nghề xe ôm, còn vợ đi phụ hồ để có thu nhập qua ngày. Điều mà ông buồn lòng là toàn bộ ruộng đất của gia đình bị thu hồi để làm đường, mở công ty, cũng có nơi bỏ hoang. “Khi vợ chồng tôi làm nghề nông, thu nhập ổn định nên mới có thể làm được nhà, nuôi được các con. Đến khi mất ruộng, mất đất, gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, phải chạy ăn từng bữa, lo cho con ăn học nên tiền hỗ trợ, bồi thường cũng tiêu hết. Chính sách ĐDV cho các hộ gia đình như chúng tôi có từ lâu, nhưng người dân cũng chỉ biết chờ đợi, chỉ biết kêu ở tổ dân phố” – ông Đạt chia sẻ.
Tương tự như trường hợp ông Đạt, gia đình ông Đặng Quyết Thắng, 65 tuổi, ở tổ 4, thôn Gia Thượng, thị trấn Quang Minh có hơn 3.800m2 đất bị thu hồi. Từ khi mất ruộng, gia đình ông sống rất vất vả, khó khăn. Toàn bộ số tiền bồi thường, hỗ trợ gần 200 triệu đồng được ông gửi vào ngân hàng đã tiêu hết. “Bản thân tôi là cựu chiến binh không lương, gia đình chỉ biết trông vào mấy sào ruộng. Mất ruộng nhưng cũng may tôi có thêm nghề bảo vệ mưu sinh” – ông Thắng tâm sự.
Ở thôn Gia Thượng có tới hàng trăm hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp tương tự như hoàn cảnh của gia đình ông Đạt, ông Thắng. Hầu hết các gia đình bị thu hồi 100% đất ruộng nên cuộc sống rất khó khăn. Khu ĐDV được quy hoạch ngay trong thôn Gia Thượng 10 năm nay vẫn cỏ mọc ngút ngàn, để hoang hóa khiến bà con thêm phần xót xa, trong khi nông dân không có đất để tăng gia.
Đây là tình trạng chung trên địa bàn Hà Nội khi còn gần 58.000 hộ dân chưa được giao ĐDV. Tại huyện Hoài Đức, có tới 13.610 hộ được hưởng ĐDV, nhưng mới chỉ có 400 hộ được giao, chiếm gần 3%. Thậm chí, tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Sóc Sơn, Thanh Trì, Quốc Oai, Đông Anh, Ứng Hòa, Ba Vì, chưa hộ dân nào được giao ĐDV.
Chỉ đạo quyết liệt
ĐDV là diện tích mà người bị thu hồi đất được hưởng tương đương khoảng 10% diện tích bị thu hồi, tùy theo quy định của từng địa phương. ĐDV có vị trí nằm sát cạnh hoặc bên trong khu đô thị, thuận lợi cho việc buôn bán kinh doanh để tạo thu nhập; được cấp lâu dài, được cấp phép xây nhà cao tầng để ở hoặc kinh doanh; được cấp sổ đỏ… |
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND TP Hà Nội, những năm gần đây, các quận, huyện đã tích cực trong công tác giao ĐDV, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trên địa bàn. Mới đây, khi phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đến điểm nóng trong giao ĐDV ở thôn Gia Thượng, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, nơi đây bắt đầu triển khai công tác giao đất. Sau hơn 10 năm bị thu hồi đất nông nghiệp, người dân thôn Gia Thượng mới cảm thấy phấn khởi như vậy. “Lãnh đạo huyện đã trực tiếp về đây làm việc, đã hứa sớm giao ĐDV cho bà con. Với những hộ được hưởng diện tích ĐDV từ 60 – 100m2, lãnh đạo huyện khẳng định sẽ đo trả đủ đất; với những hộ được hưởng diện tích đất dưới 60m2, phải ghép với hộ khác để chia ô. Công tác giao đất nhanh hay chậm chỉ do bà con quyết định thôi. Dự kiến trong tháng 6, huyện sẽ triển khai cho các hộ bốc thăm, giao đất. Sau khi nghe lãnh đạo trả lời rõ ràng mọi thắc mắc của bà con, chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi” – ông Đặng Quyết Thắng (tổ 4, thôn Gia Thượng) chia sẻ.
Trước đây, vào thời điểm sốt đất, nhiều hộ dân đã mua bán trao tay ĐDV dù chưa biết quỹ đất quy hoạch nằm ở vị trí nào. Chị Phan Thị Nhung, mua lại ĐDV của một hộ ở xã Kim Chung (huyện Hoài Đức) cho hay, cách đây 7 năm, gia đình chị mua ĐDV của một hộ dân, 55m2 với giá 400 triệu đồng. Khi thị trường bất động sản trầm lắng, gia đình tưởng chừng như “mất trắng”. Thời gian gầy đây, huyện Hoài Đức đã tích cực triển khai công tác giao ĐDV cho các hộ dân. “Gia đình tôi đã đóng tiền đợt 2 trước Tết, cả 2 đợt hết 42 triệu đồng. Các hộ đã được bốc thăm phân lô, nhưng tôi chưa biết đất của mình nằm ở vị trí nào. Dù chưa biết rõ thời gian giao đất tại thực địa, nhưng tôi luôn tin tưởng vào chính sách của Nhà nước, vào sự chỉ đạo sát sao của TP” – chị Nhung chia sẻ.
Sớm giao đất cho dân
Lãnh đạo các quận, huyện thừa nhận rất “đau đầu” mỗi khi người dân hỏi bao giờ chính quyền giao ĐDV. Đây là nợ quá hạn nên các địa phương rất khó nói với người dân. Đây cũng là thắc mắc, kiến nghị của cử tri mỗi khi chất vấn lãnh đạo. Tuy nhiên, trong công tác triển khai, không tránh khỏi những lý do khách quan. Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, nhiều dự án phải tạm dừng, chờ rà soát lại theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và quy hoạch phân khu. Nhiều khu đất không còn phù hợp với quy hoạch hiện nay, đặc biệt, một số khu đất đã hoàn thành xong công tác GPMB, xây dựng hạ tầng kỹ thuật nay bị chồng lấn với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, như 17 khu ĐDV tại huyện Hoài Đức.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Phùng Bá Nhân – Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Hoài Đức cho biết, tại xã Đức Thượng, huyện đã giao đất tại thực địa cho 400 hộ dân. Ngoài ra, 11.000 hộ đã được huyện tổ chức xét duyệt để tiến tới giao đất. “Theo chính sách đề ra, huyện chỉ được thu 810.000 đồng/m2 khi triển khai giao ĐDV cho các hộ dân, trong khi số tiền để GPMB quá lớn, đòi hỏi huyện phải bổ sung thêm để chi trả. Những năm gần đây, TP đã tạo điều kiện tháo gỡ cho địa phương và huyện xác định công tác giao ĐDV là nhiệm vụ trọng tâm trên địa bàn, nên luôn tạo điều kiện, chính sách có lợi cho các hộ dân được hưởng ĐDV. Trong năm 2015, với những khu đất đủ điều kiện, huyện sẽ bàn giao tại thực địa; trong năm 2016 sẽ phấn đấu bàn giao hết ĐDV cho các hộ dân còn lại trên địa bàn” – ông Nhân chia sẻ.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, ông Hà Huy Quang – Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, đối với những khu đất đủ điều kiện, huyện sẽ tập trung giao đất cho các hộ dân trong quý III/2015; trong đó có các hộ dân ở thị trấn Quang Minh. “Bản thân tỉnh Vĩnh Phúc trước đây tồn tại nhiều trong công tác giao ĐDV, nên khi huyện Mê Linh sáp nhập về Hà Nội, lại càng khó khăn hơn. Trong khi đó, những DN từng thu hồi đất của dân không đứng ra chịu trách nhiệm, hồ sơ pháp lý đất đai của các hộ dân chưa đầy đủ khiến huyện phải rà soát mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, huyện xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, phải tập trung hoàn thành sớm công tác giao đất cho dân” – ông Quang khẳng định.
Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Vũ Hồng Khanh, công tác giao ĐDV được TP xác định là nhiệm vụ trọng tâm phải tập trung chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ. Vì vậy, các quận, huyện phải tích cực vào cuộc, rà soát, tháo gỡ vướng mắc, tập trung mọi nguồn lực, sớm trả nợ ĐDV cho các hộ dân. Đây cũng là mong mỏi của hàng vạn hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp 10 năm nay.