ThienNhien.Net – Hôm 18/6, tông huấn về môi trường của Giáo hoàng Francis I có tựa đề “Laudato Sii. Sulla cura della casa comune” (Về việc chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta) đã được công bố, với nội dung kêu gọi thế giới hãy cùng chung tay bảo vệ môi sinh, đồng thời chỉ trích các nước giàu và mô hình thị trường đã tàn phá môi trường sống.
Trong cuốn tông huấn được chờ đợi dày gần 200 trang này, Giáo hoàng đã chỉ ra rằng 20% dân số thế giới đang giết những người còn lại bằng cách “tiêu thụ quá mức” những nguồn lực của thế giới, “ăn cắp” các tài nguyên của người nghèo và các thế hệ tiếp sau chúng ta.
Theo ngài, nhân dân thế giới đang phải trả giá cho việc chính phủ các nước “cấp cứu” các ngân hàng và doanh nghiệp trong khủng hoảng kinh tế, và cảnh báo rằng, việc thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá đang tác động tiêu cực lên mọi người. Do đó, theo Giáo hoàng, cần phải tiến tới phát triển bền vững, theo cách bảo vệ môi sinh và con người.
Chỉ trích mô hình thị trường để kích thích tiêu thụ, bằng việc tạo ra sản phẩm bất chấp những vấn đề liên quan đến môi sinh, Giáo hoàng cho rằng các nước giàu là thủ phạm chính của việc tạo ra biến đổi khí hậu, và hậu quả của việc này là người nghèo càng bị gạt ra ngoài lề của cuộc sống, bất công xã hội ngày một tăng.
Theo Giáo hoàng, việc giảm sút các nguồn tài nguyên cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc bùng phát các cuộc chiến tranh mới, và hậu quả của việc này là môi sinh càng bị tàn phá, nguy cơ chiến tranh hạt nhân càng hiển hiện và con người càng trở nên nghèo đói nhiều hơn.
Việc công bố cuốn tông huấn thứ hai của Giáo hoàng được coi là một sự kiện đặc biệt, bởi đây là lần đầu tiên, bảo vệ môi sinh được đưa vào một giáo huấn xã hội của nhà thờ Công giáo.
Tông huấn ra đời trong bối cảnh Liên hợp quốc chuẩn bị tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu diễn ra vào cuối năm nay ở Geneva, Thụy Sĩ.