ThienNhien.Net – Dù mới có hiệu lực từ ngày 1-7-2014 nhưng quá trình triển khai Luật Đất đai 2013 cho thấy, đã có nhiều vướng mắc, bất cập cần phải tháo gỡ. Điều đáng nói là chính những văn bản hướng dẫn khiến các địa phương rơi vào tình cảnh lúng túng, khó khăn khi triển khai Luật.
Chồng chéo giữa các văn bản
Cũng giống như nhiều địa phương khác, mặc dù đã có nhiều hoạt động để triển khai Luật Đất đai, tuy nhiên các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đang gặp không ít những thách thức trong việc đưa Luật vào đời sống. Nguyên nhân không phải do thiếu nguồn lực mà xuất phát từ chính những văn bản hướng dẫn. Từ thực trạng này, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Quảng Nam phối hợp với Trung tâm Phát triển cộng đồng bền vững tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Đất đai 2013. Đồng thời cũng tổ chức nhiều cuộc khảo sát lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp để tìm ra những vướng mắc, bất cập để tổng hợp thành báo cáo kiến nghị Bộ TN&MT, Bộ Tư pháp dự thảo Nghị định quy định bổ sung một số nội dung về quy hoạch, KHSD đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp GCNQSD đất trình Chính phủ trong tháng 10 năm 2015.
Đánh giá về Luật Đất đai, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam cho rằng, Luật Đất đai năm 2013 đã khắc phục nhiều vướng mắc giữa thực tiễn áp dụng với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Khoản 3, Điều 167 của Luật Đất đai quy định việc công chứng, chứng thực hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng và việc chứng thực được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Trong khi đó, Luật Công chứng năm 2006 và Luật Công chứng năm 2014 (hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2015) đều quy định việc giao dịch các hợp đồng, đặc biệt là các hợp đồng giao dịch về bất động sản phải được công chứng tại Phòng công chứng thuộc Sở Tư pháp hoặc Văn phòng công chứng tư nhân được thành lập theo quy định của pháp luật.
Cũng theo đại diện Viện Kiểm sát, quy định trên đã có sự chồng chéo giữa Luật Đất đai với Luật Công chứng cùng ban hành năm 2014. Đáng chú ý, từ khi các luật này có hiệu lực thi hành đến nay, các cơ quan quản lý việc thực hiện công chứng, các cơ quan quản lý đất đai có thẩm quyền và UBND cấp tỉnh chưa hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cho các cơ quan, tổ chức ở địa phương thực hiện tốt công tác này. Do đó, các cơ quan, tổ chức thực hiện việc công chứng, chứng thực bị động lúng túng; người dân khi thực hiện các hợp đồng giao dịch về bất động sản không biết cơ quan nào thực hiện việc công chứng, chứng thực cho mình.
Giá đền bù chưa tương xứng
Là địa phương có 2 dự án của thành phố (Dự án mở rộng đường Tam Thanh-Tam Kỳ và Dự án tái định cư) khi được hỏi đa phần người dân Phú Sơn, phường An Phú, Tam Kỳ đều cho rằng, không có thắc mắc gì về giá đất, vì tất cả đất bị thu hồi mà thuộc trường hợp sử dụng trước năm 1980 thì khi đền bù đều được tính là đất ở. Tuy nhiên, với mức giá đền bù 420.000 đồng/m2 thì không ít người dân cho rằng, không có giá nào thấp hơn giá đó và không có gì rẻ hơn đất của họ. Điển hình như theo phản ánh của ông Nguyễn Tấn Phúc, bị thu hồi 750m2 – tức là dưới 1.000m2 – không thuộc trường hợp trên 1.000 m2 như Quyết định 23 và Quyết định 12 của TP, thì được đền bù 200m2 tại nơi tái định cư – tái định cư tại chỗ. Điều ông thấy thiệt thòi là, trên diện tích đất cũ có 3 căn nhà riêng, khi làm nhà đều có đầy đủ các giấy tờ theo quy định pháp luật song khi thu hồi lại không được tính hợp lý. Cụ thể, ông Túc cho biết, khi thông báo đền bù thì Nhà nước trả 200 triệu, nhưng để có đất ở nơi tái định cư thì gia đình ông phải trả 300 triệu.
Tương tự liên quan tới giá đền bù khi thu hồi đất nhiều hộ dân tại Thôn 6, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành cũng cho biết, mặc dù khi đền bù xã cũng đã họp dân cũng như cũng công khai, niêm yết bảng giá đền bù thế nhưng mức đền bù (35 ngàn đồng/m2 chưa gồm học nghề, hỗ trợ sinh kế) vẫn là con số khá thấp. “Với người nông dân thì đất chính là nguồn sinh kế thế nhưng vì chủ trương thu hồi đất để làm đường quốc lộ chúng tôi đều rất ủng hộ và sẵn sàng để Nhà nước thu hồi. Thế nhưng với mức giá đền bù trên thì quá thấp rất khó để người dân chúng tôi tạo được nguồn sinh kế sau thu hồi đất” – ông Bùi Đức Nên nói.
Đánh giá về giá đất, đại diện Viện Kiểm sát cũng cho rằng, chính sách pháp luật về quản lý đất đai còn nhiều bất cập giữa giá đất bồi thường thiệt hại cho chủ đất theo giá UBND cấp tỉnh quy định thấp hơn nhiều so với giá cả thị trường thuận mua vừa bán.