ThienNhien.Net – Từ cuối năm 2014, hiện tượng sạt lở và ngập úng đất nông nghiệp tại xã Độc Lập (Quảng Uyên, Cao Bằng) diễn ra ngày một nghiêm trọng. Người dân và chính quyền xã cho rằng, tình trạng này do ảnh hưởng từ công trình Nhà máy thủy điện Nà Tẩư, thuộc xóm Pác Đa.
Dọc theo dòng sông, đoạn từ xóm Pác Đa, Đoỏng Pán đến hai xóm Nà Vường 1 và Nà Vường 2, xã Độc Lập có rất nhiều điểm đất ven sông bị sạt lở. Theo phản ánh của người dân, những khu vực đất này chủ yếu là đất sản xuất nông nghiệp, do kết cấu đất ruộng, không có kè chắn và mực nước lên xuống liên tục, nhất là khi mưa lũ, nước mưa ngấm dần khiến đất bị bở và sạt lở.
Anh Phùng Văn Bắc, ở xóm Pác Đa nói, từ khi Nhà máy thủy điện Nà Tẩư, xóm Pác Đa, được đưa vào sử dụng năm 2004, đã xảy ra tình trạng sạt lở đất và ngập úng một số diện tích đất nông nghiệp. Thế nhưng, tình trạng này ngày càng nghiêm trọng khi nhà máy nâng công suất vào cuối năm 2014. Đất trồng sụt lở cả dãy hàng chục mét, khiến hộ dân sống quanh khu vực lo lắng vì mùa lũ đã đến gần.
Bí thư Đảng ủy xã Độc Lập, Bế Ích Đình cho biết, trước đây, việc xả lũ không kịp thời đã gây ra tình trạng ngập úng khoảng 80 ha đất nông nghiệp. Sau khi có kiến nghị, các ngành chức năng vào cuộc, nhà máy cam kết thực hiện xả lũ kịp thời, đúng thời điểm nên tình trạng ngập úng các diện tích đất canh tác được hạn chế. Tuy nhiên, nguy cơ mất đất nông nghiệp vẫn còn khi một số diện tích đất bị ngập úng trầm trọng, nhất là trong mùa mưa lũ. Trong khi đó, quá trình sạt lở diễn ra phức tạp khi mỗi ngày, nhà máy thủy điện xả một lượng nước lớn liên tục trong hai tiếng, mỗi ngày ba lần có khi cuốn luôn cả một dãy dài ruộng ngô đang trồng.
Trước tình trạng trên, nhân dân và chính quyền xã đã kiến nghị lên huyện từ nhiều năm. Đến đầu năm 2015, một số sở, ngành liên quan đến kiểm tra nhưng vẫn chưa có kết luận và phương án khắc phục cụ thể. Xã Độc Lập kiến nghị mong các cơ quan chức năng sớm khắc phục tình trạng trên và hỗ trợ kinh phí xây kè chắn đất, tránh tình trạng mất dần đất nông nghiệp, cũng như bảo vệ an toàn cuộc sống người dân.