ThienNhien.Net – Trong khi hằng năm Bộ NNPTNT đều ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được phép sử dụng ở VN, Chi cục BVTV tỉnh Phú Thọ lại cũng vừa ban hành “Hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV đặc hiệu trên một số cây trồng tại địa bàn tỉnh Phú Thọ”.
Nông dân mất quyền lựa chọn
Điều đặc biệt là theo “hướng dẫn” được Chi cục BVTV Phú Thọ ban hành, chỉ có 100 sản phẩm thuộc về 4 doanh nghiệp là Nicotex, Hòa Bình, Việt Thắng và HTP được tham gia phân phối để phục vụ SX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Chi cục BVTV tỉnh Phú Thọ cũng không giải thích tại sao lại chỉ lựa chọn sản phẩm của duy nhất 4 doanh nghiệp để hướng dẫn người dân sử dụng.
Và như vậy hàng nghìn sản phẩm có giá bán cạnh tranh, chất lượng tốt đã được Bộ NNPTNT cho phép sử dụng tại VN, sẽ không được tham gia vào thị trường này. Vậy, đây có phải là việc dùng chức năng quản lý nhà nước để ngăn sông cấm chợ?
Theo một chuyên gia về thuốc BVTV, trong 100 sản phẩm được Chi cục BVTV tỉnh Phú Thọ “hướng dẫn” tới người dân, có rất nhiều sản phẩm đã lỗi thời, không còn lưu hành trên thị trường. Cụ thể, đối với sâu đục thân hại lúa trong danh mục hướng dẫn có 5 loại thuốc để phòng trừ nhưng, có hoạt chất Cartap (NICATA 95SP) hiện nay rất ít xuất hiện trên thị trường và là sản phẩm đã quá lỗi thời. Hơn nữa, danh mục đưa ra với một số đối tượng phòng trừ, trên nhiều loại cây trồng nhưng sản phẩm rất trùng lặp, thậm chí không đúng đối tượng. Như sản phẩm Alphacol 70WP được cấp phép để trừ bệnh thán thư/ xoài, phấn trắng/ nho nhưng Chi cục BVTV tỉnh Phú Thọ lại khuyến cáo trừ bệnh sương mai cho rau màu.
Bí ẩn cách ban hành văn bản
Hiện nay, thuốc BVTV sử dụng ở Việt Nam được thực hiện theo Thông tư số 03/2015/BNN ký ngày 29.1.2015. Theo đó, có khoảng hơn 4.000 sản phẩm thuốc BVTV với các nhóm hoạt chất và hỗn hợp thuốc trừ sâu, bệnh, cỏ, ốc bươu vàng,… được phép phục vụ SX nông nghiệp. Trong đó, thuốc trừ sâu có khoảng 769 hoạt chất, thuốc trừ bệnh có khoảng 607 hoạt chất và nhóm hoạt chất hỗn hợp, thuốc trừ cỏ khoảng 223 hoạt chất và nhóm hoạt chất, kích thích sinh trưởng có khoảng 51 hoạt chất và nhóm hoạt chất hỗn hợp, thuốc trừ ốc có 26 hoạt chất và nhóm hoạt chất hỗn hợp. Với số lượng sản phẩm lớn, chi tiết đến từng đối tượng phòng trừ luôn mang lại hiệu quả phòng trừ cao, an toàn với môi trường.
Việc Chi cục BVTV tỉnh Phú Thọ ban hành “hướng dẫn” này đang đặt ra dấu hỏi lớn, rằng tại sao họ lại ưu ái cho sản phẩm của 4 đơn vị với nhiều sản phẩm đã quá lỗi thời? Đằng sau bản “hướng dẫn ngăn sông cấm chợ” này là gì?
Qua tìm hiểu của PV Báo Lao Động, vào ngày 23.5.2015, Chi cục BVTV tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với một số DN cung cấp thuốc BVTV tổ chức hội thảo “Hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả”. Theo khẳng định của Chi cục BVTV Phú Thọ, hội thảo đã thảo luận xây dựng bản hướng dẫn sử dụng một số loại thuốc BVTV đặc hiệu trên một số cây trồng tại địa bàn tỉnh Phú Thọ, trong bản hướng dẫn nêu chi tiết tên các loại thuốc, tên hoạt chất, cách sử dụng thuốc, thời gian cách ly,… phòng trừ cho từng đối tượng sâu bệnh hại trên một số cây trồng chính trên địa bàn tỉnh. Từ kết quả hội thảo này, Chi cục BVTV tỉnh Phú Thọ đã ban hành bản “Hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV đặc hiệu trên một số cây trồng tại địa bàn tỉnh Phú Thọ”.
Theo phản ánh của một số đại lý kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn Phú Thọ, cách đây chừng 7 ngày, bản “hướng dẫn” này được đóng treo dấu đỏ của Chi cục BVTV tỉnh, không kèm theo bất kỳ CV ban hành nào được gửi đến các cơ sở kinh doanh với yêu cầu treo nơi thuận tiện để bà con nông dân thấy.
Tuy nhiên, khi điểm lại các sản phẩm trong “hướng dẫn” khuyến cáo của Chi cục BVTV tỉnh Phú Thọ, so với danh mục thuốc BVTV do Bộ NNPTNT ban hành, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thuốc BVTV khẳng định, Chi cục BVTV tỉnh Phú Thọ đang làm việc không vì lợi ích của người nông dân, của DN, không vì an toàn môi trường ruộng đồng, vườn cây…