ThienNhien.Net – Nhân Ngày Thế giới chống sa mạc hóa và hạn hán (17/6), các quan chức cùng giới chuyên gia tham dự Triển lãm Expo Milan 2015 tại Italy cho rằng sự suy giảm chất lượng đất đang là mối đe dọa ngày càng lớn tới an ninh toàn cầu.
Theo Công ước Liên hợp quốc về Chống Sa mạc hóa (UNCCD), khi chất lượng đất suy giảm tới mức đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân thì lúc đó nó sẽ trở thành một vấn đề về an ninh.
Số liệu thống kê từ năm 2007 đến nay cho thấy khoảng 80% các cuộc xung đột có vũ trang đã xảy ra trên các hệ sinh thái khô hạn, dễ bị tổn thương.
Trên toàn cầu, chỉ còn khoảng 7,8 tỷ hécta đất còn đủ khả năng cung cấp chất dinh dưỡng cho các cây lương thực, trong khi 2 tỷ hécta đất khác đang dần bạc màu và 500 triệu hécta trong đó gần như bị bỏ hoang.
Những diện tích đất như vậy cần được cải tạo để có thể tận dụng trong tương lai.
Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) Maria Helena Semedo nhận định thực tiễn quản lý bền vững đất đai chỉ ra thực tế rằng tình trạng đất bạc màu và hiện tượng sa mạc hóa có thể khắc phục được.
Theo bà Semedo, hành động quyết liệt và sự đầu tư mạnh mẽ trong quản lý đất đai sẽ góp phần tăng cường an ninh lương thực, nâng cao sinh kế và giúp người dân thích nghi với tình trạng biến đổi khí hậu.
Về phần mình, Tổng Giám đốc cơ quan Hợp tác Phát triển của Italy, ông Giampaolo Cantini cho biết việc nâng cao nhận thức về hiện tượng sa mạc hóa là một phần trong chương trình nghị sự toàn cầu về sự phát triển bền vững tại Hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra ở New York (Mỹ) vào tháng Chín tới.
Bên cạnh đó, theo ông Cantini, có mối liên hệ gần gũi giữa hiện tượng sa mạc hóa và tình trạng biến đổi khí hậu – vấn đề chính sẽ được bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về chống biến đổi khí hậu ở Paris vào tháng 12 năm nay.
Kể từ năm 1995, Liên hợp quốc chọn ngày 17/6 hàng năm là Ngày Thế giới chống sa mạc hóa và hạn hán, nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề và những giải pháp liên quan tới tình trạng đất bạc màu, hay còn được gọi là sa mạc hóa, xảy ra tại các vùng đất khô hạn trên thế giới.