ThienNhien.Net – Động vật hoang dã là một trong những mặt hàng đem lại lợi nhuận cao cho người kinh doanh, nên dù các ngành chức năng có cấm, xử phạt thì họ vẫn nghĩ ra trăm phương ngàn kế tìm nguồn hàng cung cấp, đáp ứng nhu cầu chơi sang của các “thượng đế”.
Hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông dọc theo Quốc lộ 14, đoạn qua xã Trường Xuân, huyện Đắk Song (giáp với thị xã Gia Nghĩa) có đến 3-4 điểm bày bán công khai thịt thú rừng từ lợn rừng, nai rừng, cheo, chồn, dũi… mà không hề bị các cơ quan chức năng xử lý. Thông thường 1kg thịt nai được họ bán với giá 200.000 đồng/kg, heo rừng 250.000đ/kg; thịt cheo 280.000đ/kg… Tuy nhiên, đây là giá mà các con thú sau khi bị săn bắn chết họ xẻ thịt bán tại địa phương. Đối với những con thú vẫn còn sống thì được vận chuyển xuống các tỉnh như Bình Dương hoặc TP. Hồ Chí Minh, giá cao hơn nhiều. Theo ông K. một người bán thịt thú rừng công khai bên Quốc lộ 14, đoạn qua xã Trường Xuân (huyện Đắk Song), ông có mối mua thú rừng của một thợ săn ở xã Đắk Búk So (huyện Tuy Đức). Chỉ cần có người đặt hàng hẹn ngày là sẽ gom hàng gửi ngay. Ai cần loại nào cũng có, từ khỉ, chồn, mèo, rắn hổ chúa, heo rừng, mang, nai… Ông K. tiết lộ: Bán thịt thú rừng chết không sợ bằng bán thú rừng sống. Bởi bán thú rừng sống dễ bị bắt.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa có tới 7 đầu mối cung cấp hàng cho các chủ nhà hàng ở tỉnh Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh. Bình quân, mỗi ngày các đầu mối cung cấp từ 10 đến 12 con heo rừng với trọng lượng 700 kg – 800 kg. Ngoài ra, các loại thú khác như kỳ đà, các loại rắn hổ, chồn, cheo, tê tê, khỉ cũng khoảng 150 kg. Một chủ đầu mối cung cấp thú rừng thuộc phường Nghĩa Trung (thị xã Gia Nghĩa) chia sẻ: Trung bình mỗi ngày, đầu mối của bà cung cấp cho các tỉnh thành lân cận khoảng 3 con heo rừng, còn các loại thú khác trên dưới 50 kg.
Thiết nghĩ, tỉnh Đắk Nông nên có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng này.