ThienNhien.Net – Phó Chủ tịch UBND huyện An Minh (tỉnh Kiên Giang) – ông Nguyễn Văn Phỉ vừa có công văn đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang và Sở NN&PTNT tổ chức buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam về việc triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với khu vực rừng Tập đoàn này được giao khoán.
Huyện An Minh quản lý tổng diện tích rừng tràm phòng hộ hơn 2.700 hecta. Rừng tràm An Minh được phân thành 2 tiểu khu: Tiểu khu 1 có diện tích 1.350 hecta được giao khoán cho 140 hộ dân và các tổ chức quản lý. Tiểu khu 2 là 1.350 hecta được giao khoán cho Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam quản lý.
Theo quyết định số 533/QĐ-UBND ngày 18/03/2015 của UBND tỉnh Kiên Giang thì toàn bộ diện tích rừng thuộc Tiểu khu 33 (trước đây là Tiểu khu II) tại xã Vân Khánh Tây đã được bàn giao cho Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam để quản lý, bảo vệ xây dựng vùng nguyên liệu cho nhà máy giấy MDF Kiên Giang.
Tuy nhiên, từ khi nhận bàn giao đến giữa tháng 6/2015, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam là đơn vị nhận khoán vẫn chưa triển khai phương án PCCC rừng; buông lỏng quản lý nên để ra cháy rừng gần đây vào ngày 5/6/2015. Đặc biệt là khi xảy ra cháy rừng, người đại diện chủ rừng nhận khoán chưa phối hợp tốt với chính quyền địa phương, chưa xác định được nhiệm vụ cụ thể, còn lúng túng, chưa triển khai thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật chữa cháy và phương châm 4 tại chỗ, không có trang thiết bị phục vụ chữa cháy…
Theo ông Nguyễn Văn Phỉ, hiện nay trong thời tiết nắng nóng, mực nước ở các khu vực rừng tràm thuộc huyện An Minh xuống đến mức thấp nhất so với mấy năm gần đây nên nguy cơ cháy rừng là rất cao. Trong khi đó Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chưa bố trí công tác trực chỉ huy, quản lý, bảo vệ và PCCC rừng. Do vậy, để bảo đảm tốt công tác PCCC rừng, UBND huyện An Minh đã chủ động đề nghị UBND tỉnh, Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang tổ chức buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam để có phương án PCCC rừng cụ thể, tránh để thiệt hại rừng từ việc buông lỏng công tác PCCC rừng.