ThienNhien.Net – Để ruộng không bị bỏ hoang, chính quyền các cấp đã cố gắng đưa ra những biện pháp khắc phục tình trạng này, mong người dân sẽ thêm gắn bó với đồng ruộng. Tuy nhiên, nông dân bỏ vẫn cứ bỏ, còn chính quyền thì phải quẩn quanh tìm cách để đạt chỉ tiêu về diện tích và sản lượng lúa.
Không đủ chỉ tiêu sẽ mất thi đua
Mỗi mùa vụ, chính quyền từ tỉnh đến xã đều đưa ra chỉ tiêu về diện tích và sản lượng lúa. Muốn thực hiện được, mỗi cán bộ và đảng viên phải làm nòng cốt để tuyên truyền, vận động người dân không để ruộng hoang, nếu huyện và xã nào không đạt chỉ tiêu thì cán bộ phụ trách sẽ mất thi đua. Các tổ chức, đoàn thể xã và thôn đứng ra nhận phần ruộng không cấy để làm, vừa có thành tích khen thưởng, vừa có lợi tức xây dựng quỹ; cũng từ đó để nhân dân nhìn thấy rồi học theo.
Không chỉ riêng tỉnh Thái Bình, tỉnh Hải Dương cũng có nhiều diện tích ruộng bỏ hoang, do người nông dân chuyển đổi nghề khác, thu nhập cao hơn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hải Dương, mỗi năm cả tỉnh có tới hơn 300 ha ruộng bỏ hoang. “Đứng trước tình trạng người dân muốn bỏ hoang ruộng, toàn bộ hệ thống trị cũng vào cuộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Nếu vẫn còn ruộng hoang thì chính quyền địa phương, các đoàn thể như hội nông dân, hội cựu chiến binh phải đứng ra nhận ruộng để cấy”, ông Nguyễn Văn Phú, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Dương nói.
Theo ngành nông nghiệp Hải Dương, tình trạng dân bỏ đất trắng không gieo cấy lúa ở huyện Tứ Kỳ ngày càng tăng. Năm 2010, huyện chỉ có 3,1 ha bị bỏ hoang nhưng đến năm 2014 đã lên đến trên 65 ha tại 14 xã, thị trấn.
“Nhà nước cần có nhiều chính sách hỗ trợ người nông dân hơn nữa, để làm chất xúc tác giúp người dân gắn bó với ruộng đồng. Khi người nông dân thấy mình được quan tâm, được hưởng lợi thì họ sẽ không bỏ ruộng hoang nữa”.Ông Phạm Văn Dụng, Phó giám đốc Sở Khoa học công nghệ tỉnh Thái Bình. |
Ủy ban nhân dân huyện Tứ Kỳ đã có kế hoạch để thu hồi những diện tích đất lúa được giao lâu dài nhưng bỏ hoang liên tục trong 12 tháng giao cho các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội như Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên vận động các hội viên đoàn viên đảm nhận canh tác. Đồng thời đầu tư, hỗ trợ về giống và dịch vụ để sản xuất và lấy nguồn thu quỹ hội. Tuy nhiên, huyện Tứ Kỳ dự báo nếu không có những biện pháp mạnh để can thiệp thì diện tích bị bỏ hoang có thể tăng lên đến 281 ha trong vòng 5 năm tới.
Cần hỗ trợ thiết thực cho người nông dân
Trưởng thôn Đại Đồng, xã Đông Á, huyện Đông Hưng (Thái Bình) đi ruộng, trời nhá nhem mới về nhà. Nói về chuyện nông dân bỏ ruộng, anh Bùi Văn Phượng cho biết gia đình anh có 4 sào ruộng, và nhận thêm 8 sào bị bỏ hoang để làm. Theo anh Phượng đó là trách nhiệm, chứ thu nhập từ ruộng quá thấp. Nhà nước cần có thêm chính sách hỗ trợ để khuyến khích người nông dân bám ruộng lâu dài.
Cựu chiến binh Đoàn Văn Trắc ở thôn Trưng Trắc A, xã Đông Á, huyện Đông Hưng (Thái Bình) đang gặt lúa trên đồng. Ngồi trên bờ đê nghỉ lao, ông Trắc cho biết nhà chỉ có hai vợ chồng, cấy 5 sào ruộng nhưng thấy mọi người bỏ hoang ruộng nên nhận thêm 5 sào để cấy. “Nhìn ruộng bỏ hoang, tôi tiếc nên nhận về cấy. Vật tư ngày càng đắt đỏ, tôi mong Nhà nước và chính quyền hỗ trợ phần nào giá cả để nông dân đỡ phần chi phí”.
Bà Bùi Thị Hiền bán nước mía cạnh đường tỉnh lộ, tại thị trấn huyện Gia Lộc (Hải Dương), diện tích ruộng hoang rất nhiều, mùa gặt nhưng ở cánh đồng của đội 8 (thị trấn Gia Lộc) mênh mông cỏ dại. Khi được chúng tôi gợi chuyện, bà cho biết gia đình cũng có 5 sào ruộng bỏ hoang. Theo bà Hiền, để khuyến khích người dân làm ruộng cần sự quan tâm đầu tư về nhiều mặt như giao thông nội đồng, hỗ trợ kinh phí diệt chuột hại, cần có các chính sách để giảm các giá dịch vụ liên quan.
“Để người nông dân gắn bó với ruộng, Bộ NN&PTNT cần tăng cường chính sách hỗ trợ phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, khuyến khích thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và chế biến nông sản. Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng cần quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất hàng hóa, nhằm nâng cao hiệu quả cánh đồng”, ông Nguyễn Văn Phú, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Dương nói.
Nghị định số 35/2015/NĐ – CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, Chương III quy định chính sách hỗ trợ: Hỗ trợ đối với địa phương sản xuất lúa là 1.000.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa nước; hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm đối với đất trồng lúa khác. Hỗ trợ đất khai hoang, cải tạo đất trồng lúa là 10.000.000 đồng/ha đất trồng lúa, trừ đất trồng lúa nương được khai hoang từ đất chưa sử dụng hoặc phục hóa từ đất bị bỏ hóa; hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha đất chuyên trồng lúa nước được cải tạo từ đất trồng lúa nước một vụ hoặc đất trồng cây khác theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa. |