ThienNhien.Net – Để chủ động đối phó với thiên tai trong năm 2015, các đơn vị ở Đà Nẵng cần thực hiện đầy đủ phương châm “Chung sống là quy luật, phòng chống như đánh giặc, 4 tại chỗ là phương thức, nâng cao khả năng ứng phó là trọng tâm”.
Hiện nay Đà Nẵng đang vào thời điểm nắng nóng, nguy cơ cháy rừng luôn rình rập, thường xuyên ở mức cao, mức IV, V. Để triển khai hiệu quả công tác phòng chống cháy rừng, Thượng tá Lê Khắc Hùng, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng đề nghị, các đơn vị cần xác định thực hiện “phòng ngừa là chính”, duy trì nghiêm chế độ trực theo quy định, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, thông tin liên lạc sẵn sàng ứng phó với các tình huống cháy rừng khẩn cấp.
Trong xử lý các tình huống cháy nổ, cháy rừng và ứng cứu sập đổ công trình, các đơn vị phải thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, ưu tiên cứu người trước, cứu tài sản sau.
Các cơ quan, đơn vị cần tăng cường biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái phép, chống người thi hành công vụ. Các đơn vị được giao trồng rừng, bảo vệ rừng phải có kế hoạch phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ rừng.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, thời gian tới nguy cơ xuất hiện những trận siêu bão trên biển Đông và những trận mưa rất to, lũ lụt vượt xa báo động III ảnh hưởng đến Đà Nẵng là rất lớn.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết, TP đã triển khai xây dựng nhiều phương án đối phó từng vùng sát với thực tế nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Cụ thể: Đã xây dựng phương án phòng chống và khắc phục hậu quả ứng phó với 6 kịch bản thiên tai, đặc biệt là các kịch bản thiên tai nghiêm trọng. Đồng thời phát hành 18.500 cuốn sổ tay hướng dẫn phòng chống thiên tai, phòng tránh bão lũ cho cộng đồng.
Bộ Chỉ huy quân sự Đà Nẵng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu nhân dân khi xảy ra thiên tai, hiệp đồng với các đơn vị quân đội, tìm kiếm cứu nạn đóng trên địa bàn để ứng cứu kịp thời các tình huống khẩn cấp và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai.
Việc dự trữ lượng thực, nhu yếu phẩm, thuốc men phục vụ cứu hộ, cứu nạn, phòng chống dịch bệnh khi thiên tai xảy ra cũng được Đà Nẵng chú trọng và đã yêu cầu các ngành chức năng xây dựng kế hoạch từ rất sớm.
Bên cạnh đó TP tiếp tục thực hiện các dự án đối phó với thiên tai như: Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; cảnh báo thiên tai qua điện thoại di động, tập huấn lập kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai cho doanh nghiệp từ kinh phí ngân sách Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ tài trợ.
Tổ chức lắp đặt hệ thống máy thông tin tích hợp định vị vệ tinh cho trạm bờ, đồng thời tiến hành lắp đặt cho tàu cá công suất từ 90 CV trở lên có đăng ký khai thác ở các vùng biển xa.
Thực hiện tốt chương trình trồng mới rừng để giữ nước, điều tiết, điều hòa dòng chảy của rừng tự nhiên. Qua đó, điều chỉnh quy hoạch xây dựng các công trình thủy điện trên thượng lưu Vu Gia – Thu Bồn theo hướng có đánh giá rõ ràng về tác động môi trường…
Đà Nẵng cũng sẽ đầu tư thêm 1 khu trú bão để chủ động phòng, tránh khi có tình huống xấu xảy ra.