ThienNhien.Net – Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra ngày càng khốc liệt, đe dọa an ninh lương thực và có tác động toàn diện đến sự phát triển bền vững của đất nước. Để ứng phó, giảm nhẹ tác động tiêu cực của BĐKH lên sản xuất nông nghiệp, thích ứng cho cây trồng là biện pháp, hướng mở có ý nghĩa rất quan trọng và hiệu quả.
Tác động tiêu cực ngày càng lớn
Những đợt hạn hán và nóng kéo dài liên tiếp xảy ra ở khắp các vùng trong cả nước những năm gần đây cho thấy mức độ gia tăng ngày càng lớn của tình trạng BĐKH. Hạn hán có năm làm giảm 20-30% năng suất cây trồng, giảm sản lượng lương thực, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chăn nuôi và sinh hoạt của người dân. Hạn hán kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ hoang mạc hóa ở một số vùng, đặc biệt là vùng Nam Trung Bộ, vùng cát ven biển và vùng đất dốc thuộc trung du, miền núi, gây ra những hệ lụy đáng kể đối với phát triển bền vững ở Việt Nam.
Theo nghiên cứu và dự báo của Ủy ban liên chính phủ về BĐKH của Liên hợp quốc (IPPC) và Ngân hàng thế giới (WB), ở Việt Nam, nếu nước biển dâng lên 1m sẽ làm ngập khoảng từ 0,3 đến 0,5 triệu ha tại đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 1,5-2,0 triệu ha và những năm lũ lớn khoảng trên 90% diện tích của ĐBSCL bị ngập từ 4-5 tháng, trong đó chủ yếu là đất lúa bị ngập hoặc nhiễm mặn không thể sản xuất. Biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng thiên tai khiến năng suất cây trồng giảm. Theo đánh giá của ADB, nếu nhiệt độ tăng thêm 1 độ C, năng suất lúa sẽ giảm 10%, thực trạng trên sẽ đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực quốc gia và ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dân.
BĐKH đang làm thay đổi điều kiện sinh sống của các loài sinh vật, dẫn đến tình trạng biến mất của một số loài và ngược lại, xuất hiện nguy cơ gia tăng các loại “thiên địch”. Trong thời gian nhiều năm trở lại đây, dịch rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá ở ĐBSCL diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến khả năng thâm canh, tăng vụ và làm giảm sản lượng lúa. BĐKH có thể tác động đến thời vụ, làm thay đổi cấu trúc mùa, quy hoạch vùng, kỹ thuật tưới tiêu, sâu bệnh, năng suất, sản lượng; làm suy thoái tài nguyên đất, đa dạng sinh học bị đe dọa, suy giảm về số lượng và chất lượng do ngập nước và do khô hạn, tăng thêm nguy cơ diệt chủng của động, thực vật, làm biến mất các nguồn gen quý hiếm.
Giải pháp trong nông nghiệp
Thích ứng cây trồng là biện pháp cần thiết để nền nông nghiệp có thể đứng vững trước các hình thái biến đổi khí hậu. Nông dân sẽ gặp phải những khó khăn mà trước đó họ chưa có kinh nghiệm: Thời tiết thay đổi cực đoan, nhiệt độ trung bình tăng cao, số ngày cực nóng và cực lạnh nhiều hơn, mùa vụ lại có khuynh hướng rút ngắn, bức xạ mặt trời mạnh hơn, các áp lực về hạn, ẩm hay mặn ngày càng cao, và sẽ xuất hiện các tập đoàn sâu hại cũng như các bệnh mới.
Nhận thức rõ ảnh hưởng của BĐKH, để nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH bảo đảm phát triển bền vững lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành “Khung chương trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2008-2020”, trong đó chú trọng đến: bảo đảm ổn định, an toàn dân cư cho các thành phố, các vùng, miền, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Bắc Bộ, miền trung, miền núi; bảo đảm sản xuất nông nghiệp ổn định, an ninh lương thực; bảo đảm 3,8 triệu ha canh tác lúa hai vụ; bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, các công trình dân sinh, hạ tầng kinh tế kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.
Theo PGS, TS. Đinh Vũ Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, ngoài các giống lúa thích ứng với điều kiện thâm canh, nước ta cũng đã có các bộ giống lúa thích ứng với điều kiện úng ngập (bộ giống chịu úng: U17, U20, U21 của Viện Cây lương thực, cây thực phẩm (Viện CLT-CTP), các giống chịu mặn như M6, bàu tép; các giống chịu phèn như Tép lai; các giống chịu hạn: CH2, CH3, CH5, CH133 (Viện CLTCTP), các giống thuộc sê-ri LC của Viện Khoa học nông nghiệp Miền Nam và Viện Bảo vệ thực vật…
Những giống này chưa nhiều nhưng sẽ là tiền đề để các nhà chọn giống tiếp tục nghiên cứu, lai tạo ra những giống thích ứng với các điều kiện của BĐKH như giống lúa có khả năng chịu mặn, chịu hạn, chịu ngập lụt. Bên cạnh các giải pháp và công nghệ canh tác ở vùng khô hạn và sa mạc hóa, được nhiều nơi nghiên cứu chọn tuyển những cây giống khỏe chịu khô hạn như: điều, ca cao, ôliu…; các cây nông nghiệp ngắn ngày: hành tím, khoai lang, mì (sắn), đậu, mía…; các cây ăn quả đan xen: thanh long, xoài, mãng cầu xiêm (na); một vài loại rau, ớt… đều được tuyển chọn đã chịu được hạn.
Nước ta có điều kiện tuyệt vời để né biển dâng nước ngập là sử dụng đất đồi núi để phát triển nhiều loại công/nông/lâm nghiệp trong những điều kiện đất/nước khác nhau, như: cao-su, cây dừa, cây cọ dầu…; cây ăn trái, cây xa kê, cây hạt dẻ… Để tăng sức sản xuất của vùng có nhiều loại đất nghèo, vấn đề phủ đất chống xói mòn bằng cây họ đậu đỗ cần đặc biệt chú ý.
Nâng cao năng lực thực hiện
Nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với an sinh xã hội và phát triển bền vững. Nằm trong chiến lược quốc gia ứng phó với BĐKH, ngành nông nghiệp cần có những chương trình, dự án phù hợp, vừa có tác dụng trước mắt, vừa lâu dài với BĐKH đã, đang và sẽ có ảnh hưởng xấu tới sản xuất lương thực nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung, theo hướng ngày càng phức tạp và xấu hơn. Nội dung nghiên cứu nông nghiệp thích ứng bao gồm các biện pháp né và sống chung an toàn với điều kiện bất lợi do BĐKH, như dùng giống lúa cực sớm, lúa cạn và cây lương thực ăn củ ở đất cao để né lũ né hạn/mặn xâm nhập; lúa nước sâu và lúa nổi cùng rau củ thủy sinh để sống chung với nước ngập cho an ninh lương thực.
Với những giống cây trồng, vật nuôi đã được các nhà khoa học, cơ quan khoa học nghiên cứu, thử nghiệm thành công có thể thích ứng với biến đổi khí hậu (ngắn ngày, chịu mặn, chịu hạn, chịu ngập úng, kháng sâu bệnh…) cần được các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá, nghiên cứu, tài liệu hóa để xây dựng thành những chương trình, dự án nhân rộng ra các địa phương có những điều kiện áp dụng tương tự.
Đồng thời các giải pháp, mô hình về các biện pháp canh tác cây trồng góp phần thích ứng với BĐKH đang được áp dụng thành công ở cộng đồng (do cộng đồng tìm ra, hoặc do các tổ chức phi chính phủ chuyển giao từ nước ngoài) cũng cần được các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý đánh giá và có những biện pháp, khuyến nghị nhân rộng tới các địa phương khác. Sau khi các tài liệu này được công bố lãnh đạo địa phương ở các cấp mới có cơ sở để đưa các mô hình, giải pháp nông nghiệp thích ứng với BĐKH vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và đề án phát triển nông nghiệp hàng năm.
Nâng cao năng lực cho các cán bộ nông nghiệp, khuyến nông của địa phương về phương pháp, kỹ năng để thí điểm, nhân rộng các mô hình, giải pháp thích ứng với BĐKH.
Về khoa học công nghệ, cần có những đề tài nghiên cứu phát triển dài hạn, trước hết là về giống cây trồng và bảo vệ sản xuất trước biến động phức tạp của sâu bệnh khi thời tiết ngày một khắc nghiệt. Nghiên cứu triển khai bảo vệ thực vật khi cơ cấu cây trồng thay đổi để thích nghi với BĐKH.
Những tác động tiêu cực của BĐKH đang ngày càng rõ rệt. Chính vì vậy, cần đẩy nhanh việc hiện thực hóa các giải pháp thích ứng cây trồng để giảm thiểu tác động, góp phần ổn định đời sống người dân và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.