ThienNhien.Net – Việt Nam có nguy cơ bị tác động bởi một số nguồn ô nhiễm không khí xuyên biên giới, như: bụi mịn, thủy ngân, lắng đọng axít.
Chính phủ vừa có báo cáo về công tác bảo vệ môi trường gửi đến các vị đại biểu Quốc hội. Theo đó, ô nhiễm không khí, nguồn nước… đang ngày càng nghiêm trọng.
Hà Nội, TP HCM: Bụi ở mức cao
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Nguyễn Minh Quang cho biết chất lượng môi trường không khí tại một số khu vực đô thị, ô nhiễm bụi vẫn đang là vấn đề nổi cộm, tập trung chủ yếu tại các đô thị lớn và khu vực sản xuất công nghiệp.
Tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM, nồng độ bụi (bao gồm cả bụi mịn và bụi lơ lửng) có xu hướng duy trì ở ngưỡng cao, đặc biệt tại các trục giao thông chính. Còn tại các công trường xây dựng (khu chung cư, đô thị mới, sửa chữa đường giao thông, xây đường trên cao…) đã xảy ra tình trạng ô nhiễm bụi cục bộ. “Việt Nam có nhiều nguy cơ bị tác động bởi một số nguồn ô nhiễm không khí xuyên biên giới, như: bụi mịn, thủy ngân, lắng đọng axít và khói mù quang hóa do nguồn phát thải từ các nước lân cận” – ông Quang lo ngại.
Theo Bộ TN-MT, vẫn còn 22% KCN đã đi vào hoạt động nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu, tiếp tục làm môi trường nước bị ô nhiễm. Trong đó, ô nhiễm nước thải chủ yếu là các chất lơ lửng (SS), chất hữu cơ (BOD5, COD), chất dinh dưỡng (amoni, tổng nitơ và tổng phốt-pho) và kim loại nặng thường cao hơn Quy chuẩn Việt Nam từ 1,1 đến hàng chục lần. “Đây là nguyên nhân gây ô nhiễm nước sông hồ, kênh rạch ở phía Nam như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai…” – báo cáo nêu rõ.
Bộ trưởng Bộ TN-MT cho biết ô nhiễm môi trường làng nghề vẫn tiếp tục là vấn đề đáng lo ngại, điển hình là làng nghề tái chế nhựa Trung Văn, gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội); đúc đồng Đại Bái (Bắc Ninh); tái chế nhựa Vô Hoạn, tái chế nhôm Yên Bình (Nam Định); tái chế chì Đông Mai, Văn Lâm (Hưng Yên)…
Đất canh tác suy thoái
Theo Bộ TN-MT, đất canh tác nông nghiệp ở một số nơi đang bị suy thoái do sạt lở, rửa trôi, xói mòn, hoang mạc hóa, mặn hóa, phèn hóa… Ở khu vực miền Trung, hoang mạc hóa đã diễn ra nhiều năm, đặc biệt là các dải hoang mạc cát ven biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận chiếm diện tích khá lớn so với tổng diện tích dải ven biển. Môi trường đất một số nơi ở nước ta còn bị ô nhiễm do chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh, đặc biệt là 3 điểm nóng về chất dioxin ở Việt Nam: sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), sân bay Đà Nẵng và sân bay Phù Cát (Bình Định).
Tại sân bay Đà Nẵng và sân bay Biên Hòa, hàng trăm ngàn mét khối đất và bùn bị nhiễm chất độc da cam vẫn còn tồn dư với hàm lượng dioxin gấp hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lần so với nồng độ cho phép.
Cùng với đó, ở khu vực nông thôn, môi trường đất có nguy cơ bị ô nhiễm do việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Hằng năm, ước tính tổng lượng phân bón vô cơ sử dụng trong canh tác nông nghiệp vào khoảng 2,5-3 triệu tấn, trong đó có đến 50%-70% không được cây trồng hấp thụ, thải ra môi trường…
Đáng lo chất lượng nước sông Báo cáo của Bộ TN-MT chỉ rõ với đoạn sông Hồng chảy qua thủ đô Hà Nội, các thông số ô nhiễm thường xấp xỉ ngưỡng A1. Sông Nhuệ và sông Đáy bị ô nhiễm nặng ở những đoạn chảy qua Hà Đông (Hà Nội) và Phủ Lý (Hà Nam). Đặc biệt, sông Ngũ Huyện Khê hiện vẫn ô nhiễm nặng do tiếp nhận nước thải từ các làng nghề ở Bắc Ninh. Các sông Sài Gòn, Đồng Nai – đoạn chảy qua TP Biên Hòa và TP HCM – đều bị ô nhiễm hữu cơ và ô nhiễm vi sinh ở những mức độ khác nhau. Đối với các lưu vực sông Trà Bồng, Trà Khúc, Kôn thuộc Trung Bộ, đã xuất hiện ô nhiễm hữu cơ, mức độ tăng cao hơn vào các tháng mùa khô. Chất lượng nước lưu vực sông thuộc khu vực ĐBSCL độ mặn có xu thế gia tăng. |