ThienNhien.Net – Hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư, cải tạo hệ thống kênh rạch đã làm hồi sinh các dòng kênh, tạo một diện mạo mới cho cảnh quan đô thị thành phố. Tuy nhiên sự thiếu ý thức gìn giữ môi trường của người dân đang khiến mức độ tái ô nhiễm các dòng kênh ngày đáng báo động…
Xả rác vô tội vạ
Phải mất hơn 10 năm và đầu tư trên 300 triệu USD, thành phố mới cải tạo được dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, chỉ với gần 9 km. Thế nhưng, hiện nay dòng kênh này vẫn được không ít người dân xem như nơi… đổ rác. Theo Công ty Môi trường đô thị thành phố, trung bình mỗi ngày, hơn 20 công nhân phải rất vất vả mới có thể vớt, thu gom khoảng bốn đến năm tấn rác từ dòng kênh. Những ngày cao điểm, các dịp lễ… khối lượng rác thải có khi lên đến cả chục tấn. Đó là chưa kể lượng rác tồn lưu trên kênh mà lực lượng thu gom rác không thể vớt hết. Lượng rác thải này vẫn trôi nổi, tụ lại thành từng mảng lớn bám dọc bờ kênh và một lượng lớn chìm xuống đáy kênh.
Không chỉ rác được ném xuống kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, ngay kênh Tân Hóa – Lò Gốm vừa được đầu tư 5.000 tỷ đồng cải tạo xong giai đoạn 1, tình trạng tương tự cũng diễn ra. Dọc 3 km bờ kênh, khu vực quận 6, rác ngổn ngang thành từng đống. Cả tuyến kênh này cũng chưa được đầu tư thùng rác công cộng, nên ngoài lượng rác để dọc bờ, một số số lượng lớn khác cũng được ném thẳng xuống kênh… Ông Mười, một người dân ở khu vực này ngán ngẩm: “Không hiểu sao nhiều người lại kém ý thức đến vậy, Nhà nước bỏ hàng nghìn tỷ đồng để cải tạo dòng kênh, dự án còn chưa kịp hoàn thành thì nhiều người đã muốn làm cho nó ô nhiễm trở lại. Mấy ngày nay, trời nắng gắt, rác, nước cống, lục bình quyện vào nhau thành từng mảng lềnh bềnh trên dòng kênh nhìn rất mất mỹ quan. Mùi hôi cũng bắt đầu bốc trở lại…”.
Kết quả quan trắc chất lượng nguồn nước vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường công bố cho thấy, các thành phần nhu cầu oxy sinh học (BOD5), nhu cầu oxy hóa học (COD), chỉ tiêu vi sinh (Coliform), hàm lượng chất lơ lửng (SS), kim loại nặng trên hệ thống kênh, rạch của thành phố đều vượt tiêu chuẩn từ vài chục đến cả ngàn lần cho phép. Tình trạng ô nhiễm càng nghiêm trọng hơn khi nước thủy triều xuống thấp. Trong đó, đáng lo ngại nhất là nước thải khu vực dân cư và nước chảy tràn đô thị vẫn đang hàng ngày đổ xuống các dòng kênh vừa mới được cải tạo.
Cần có chế tài mạnh
Một cán bộ công tác trong ngành Môi trường cho biết, việc quản lý môi trường, trong đó có vấn đề xả rác thải nói chung đã được thành phố phân cấp về cho các quận, huyện. Theo quy định, quận, huyện nào để rác phát sinh gây ô nhiễm môi trường thì lãnh đạo quận, huyện đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, việc phân chia ranh giới địa bàn để quản lý ô nhiễm là việc làm tồn tại nhiều bất cập. Vì thực tế, rất khó xác định ranh giới vùng ô nhiễm trên kênh, một tuyến kênh dài chảy qua nhiều quận, huyện, rác cũng không dừng lại một điểm. Chỉ cần địa phương đầu nguồn nước quản lý kém, để người dân xả rác bừa bãi nhưng hậu quả ô nhiễm lại thuộc về những quận, huyện phía cuối nguồn nước. Chưa kể, có nhiều bãi rác tự phát nằm ở khu vực giáp ranh, không địa phương nào nhận trách nhiệm, nên việc xử lý người đứng đầu cũng rất khó…
Khi đề cập đến những giải pháp chống tái ô nhiễm môi trường kênh rạch trên địa bàn, ông Lê Quỳnh Đài, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 8 cho biết: “Chúng tôi đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến người dân để mọi người chủ động bảo vệ các bờ kè, các miệng van ở các cửa xả và các miệng van ngăn triều. Chúng tôi cũng kêu gọi người dân bảo vệ môi trường, không xả rác xuống dòng kênh. Việc bảo vệ các dòng kênh không chỉ là bảo vệ môi trường mà còn đảm bảo cho dòng chảy thông thoáng, không bị ngập lụt trong mùa mưa sắp tới”.
Không riêng ở quận 8, tình trạng chung hiện nay ở các quận, huyện vẫn chỉ dừng lại ở việc vận động, tuyên truyền người dân. Tuy nhiên quá trình tuyên truyền vận động người dân nhưng không đi kèm với biện pháp xử lý nên gần như không có tác dụng. Về vấn đề này, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hồ Long Phi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nước và biến đổi khí hậu – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, trách nhiệm vẫn là của chính quyền địa phương. Theo GS Hồ Long Phi, cách tốt nhất là giao trọng trách này cho chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư tại chỗ. Hiện nay nhiều công việc về quản lý đô thị cũng được giao về cho địa phương, song do thiếu những giải pháp cụ thể cùng những điều kiện để thực hiện, nên hiệu quả chưa cao. Để khắc phục tình trạng này, các sở ngành chức năng nên nghiên cứu tham mưu cho UBND TP Hồ Chí Minh đưa ra giải pháp cụ thể, giúp địa phương thực thi tốt nhiệm vụ của mình.
Không dừng lại ở việc vận động, nâng cao ý thức người dân, một lãnh đạo Công ty Môi trường đô thị Thành phố cho rằng: Cần phải có các biện pháp, chế tài đủ mạnh, có người chịu trách nhiệm rõ ràng. Các địa phương theo sự phân cấp, phải tổ chức vận động người dân trong khu vực không vứt rác xuống kênh, rạch, đồng thời giám sát chặt chẽ và có hình thức xử phạt với những ai cố tình không thực hiện việc vứt rác đúng chỗ. Mức phạt cần phải tính toán sao cho đủ sức răn đe. Thành phố cũng cần đầu tư lắp các camera dọc hai bên bờ kênh để theo dõi, giám sát 24/24 giờ trong ngày để phát hiện những người vứt rác.