ThienNhien.Net – Tỉnh Cà Mau là một trong những địa phương có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất của cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua rừng ngập mặn không chỉ bị tác động mạnh bởi yếu tố tự nhiên, mà còn có sự “tiếp tay” của con người. Tìm giải pháp giúp dân “sống chung” với rừng là vấn đề bức bách đang đặt ra.
Nâng cao ý thức bảo vệ rừng
Vườn quốc gia (VQG) Mũi Cà Mau là khu rừng ngập mặn lớn của cả nước với hơn 12.200ha; đây là khu Ramsar cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Dù vậy, trong năm 2013, do quản lý kém nên VQG Mũi Cà Mau bị tàn phá nặng nề; hàng ngàn mét khối gỗ bị “bốc hơi”. Trở lại VQG Mũi Cà Mau vào giữa tháng 6-2015, chúng tôi thấy đã có nhiều thay đổi: những mảng rừng từng bị lâm tặc chặt phá trước đây, nay đã có cây con tái sinh. Xung quanh khu vực kênh 5, một thời được xem là “vương quốc của lò than” trái phép nay cũng đã giảm… Ông Đặng Minh Lâm, Phó Hạt kiểm lâm VQG Mũi Cà Mau, cho biết, công tác quản lý và bảo vệ rừng đã có chuyển biến nên những điểm nóng về phá rừng giảm nhiều. Trong 5 tháng đầu năm 2015, phát hiện 34 vụ vi phạm; tháo dỡ hơn 200 lò than trái phép… Theo ông Lâm, nhờ tập trung tuyên truyền nên người dân thấy được tầm quan trọng của rừng, từ đó họ có ý thức bảo vệ.
Sản xuất dưới tán rừng
Để rừng được bảo vệ hiệu quả thì việc giúp dân chung sống với rừng là vấn đề bức bách đặt ra. Hiện Cà Mau có 11 đơn vị quản lý rừng ngập mặn, thời gian qua nhiều đơn vị đã triển khai mô hình nuôi ốc len dưới tán rừng phòng hộ khá thành công. Ông Trương Văn Hồng, ở thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, cho biết: “Tôi nhận 3ha rừng vừa bảo vệ vừa kết hợp với nuôi ốc len dưới chân rừng. Vụ thu hoạch vừa qua tôi thu lợi gần 40 triệu đồng. Ốc len là loài bản địa dễ nuôi, thả xuống chừng 5 – 7 tháng là thu hoạch. Ngoài ốc len, tôi còn nuôi thêm cua, cá kèo… để tăng nguồn thu”. Nói về mô hình này, ông Nguyễn Văn Den, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Tân, nhận định: “Thực tế cho thấy nuôi ốc len dưới tán rừng không ảnh hưởng đến cây rừng phát triển, vì đào kênh mương nhỏ. Người dân giữ rừng có nguồn lợi, cuộc sống được cải thiện và họ không còn làm “lâm tặc” nửa, mà sẽ tận lực bảo vệ rừng”.
Hiện tại, xung quanh VQG Mũi Cà Mau có hơn 3.000 hộ dân (với khoảng 10.000 nhân khẩu) đời sống còn khó khăn, nhiều gia đình quanh năm sống bám biển, khi biển thất bát thì xâm nhập trái phép vào rừng. Vì vậy, để tránh sự tác động của người dân, VQG Mũi Cà Mau tìm nhiều giải pháp giúp dân “sống chung” được với rừng. Ông Phan Quốc Khải, Giám đốc VQG Mũi Cà Mau cho biết, cùng với việc nuôi ốc len, nuôi sò huyết… dưới tán rừng thì VQG còn phối hợp với các ngành chức năng cùng triển khai mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, nhằm tạo sinh kế, cải thiện thu nhập cho người dân. Trước mắt, sẽ thực hiện tại khu phục hồi sinh thái, diện tích khoảng 960ha, dự kiến có hơn 213 hộ tham gia. Ông Lê Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhìn nhận: “Mô hình nuôi sò huyết thí điểm tại khu bảo tồn VQG Mũi Cà Mau phát triển tương đối tốt, không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, nên cần nhân rộng giúp dân ổn định đời sống, an tâm giữ rừng”.