ThienNhien.Net – Thời gian gần đây, tình trạng lấn chiếm, tự ý thành lập kho bãi khai thác trái phép, sản xuất kinh doanh của các DN ven sông tại các tỉnh Duyên hải Bắc Bộ đang ngày càng trở nên phức tạp. Nhiều công trình lấn chiếm lòng sông, làm thay đổi, cản trở dòng chảy, tập kết bến bãi, gây ô nhiễm môi trường, gây vỡ mặt đê ảnh hưởng đến công tác PCLB của các địa phương, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng đê điều trong mùa mưa bão.
Hành lang đê điều trở thành bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương trong tại các tỉnh duyên hải Bắc bộ, làm ảnh hưởng đến sự an toàn của nhiều hạng mục công trình phòng chống lụt bão.
Ngang nhiên vi phạm
Tình trạng vi phạm Pháp lệnh đê điều tại tuyến đê hữu sông Trà Lý, đoạn thuộc địa phận các xã Vũ Lạc, Vũ Đông (thành phố Thái Bình) là một ví dụ cụ thể. Toàn bộ phần hành lang an toàn bảo vệ đê điều đã bị các hộ kinh doanh vật liệu xây dựng ở đây dùng làm bến bốc dỡ và trung chuyển vật liệu xây dựng. Trung bình mỗi ngày có hàng ngàn m3 cát đá, hàng trăm ngàn tấn vật liệu xây dựng được trung chuyển qua đây. Xe quá tải, cát đá rơi vương vãi và bụi là những gì mà người dân đang sinh sống ở đây phải gánh chịu. Theo ghi nhận của nhóm phóng viên DĐDN, mỗi ngày phải có hàng trăm, thậm chí vào dịp cao điểm có hàng ngàn lượt phương tiện chuyên chở vật liệu xây dựng quá tải đi qua đây. Do vậy, dù mặt đê mới được xây dựng, nâng cấp cách đây ít năm, song nhiều đoạn mặt đê đã bị cày nát, vỡ vụn.
Bà Trần Thị Ly, tổ 1, phường Trần Lãm, TP Thái Bình kiến nghị: “Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền, ban, ngành vào cuộc để có giải pháp bảo vệ hành lang đê điều và đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn trong sinh hoạt cho người dân sống quanh sông như chúng tôi”.
Mới đây, thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng phối hợp với Chi cục Đê điều và phòng chống lụt, bão thành phố Hải Phòng và quận Lê Chân cũng vừa tiến hành kiểm tra, phát hiện công trình xây dựng của Cty TNHH Thương mại VIC. Cty đã đổ dầm móng bê tông cốt thép, lắp dựng khung cột thép nhà kho, vách quây tôn diện tích 1.136 m2 trong hành lang bảo vệ kè; đổ vật liệu san lấp mặt bằng không có giấy phép xây dựng, nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của tuyến đê cũng như công tác phòng chống lụt, bão của địa phương. Tuy nhiên, bất chấp việc xử lý của cơ quan chức năng, chủ đầu tư vẫn tiếp tục hoàn thiện công trình.
Chính quyền có kiên quyết?
Mặc dù UBND tỉnh Thái Bình đã có Công văn số 3229 ngày 22/10/2014 gửi UBND các huyện, thành phố về việc ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng xe quá tải trọng đi trên đê vi phạm Luật đê điều. Sở NN-PTNT tỉnh cũng đã có Công văn số 101 ngày 9/2/2015 gửi UBND Thành phố về việc xử lý vi phạm luật đê điều trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, việc xử lý đến nay vẫn chưa có hiệu quả.
Ngày 5/5/2015 UBND thành phố Hải Dương có thông báo số 303/TB- UBND tới 25 tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh bến bãi chứa, kinh doanh vật liệu xây dựng, các hoạt động khác ngoài bến sông liên quan đến đê điều thoát lũ sông phải dừng ngay các hoạt động di chuyển hết vật liệu nguyên liệu tháo dỡ các nhà tạm hoặc các tấm bưng nhà tạm, thanh thải toàn bộ các vật cản lũ trên bãi sông ngoài đê xong trước ngày 15/5/2015.
Tình trạng lấn chiếm, tự ý thành lập kho bãi khai thác trái phép, sản xuất kinh doanh của các DN ven sông tại các tỉnh Duyên hải Bắc Bộ đang ngày càng trở nên phức tạp. |
Làm việc với PV DĐDN, ông Nguyễn Văn Dinh – Phó chủ tịch UBND phường Ngọc Châu, thành phố Hải Dương cho biết: “hiện nay trên địa bàn có 4 DN kinh doanh làm điểm tập kết, khai thác vật liệu ven sông. Chúng tôi vừa nhận được văn bản chỉ đạo số 1116 /UBND –VP ngày 28/5/2015 UBND tỉnh có quyết định về việc xử lý tình trạng khai thác cát trái phép tại khu vực sông Thái Bình, phường Ngọc Châu, TP Hải Dương. Trong đó Xí nghiệp xây dựng Hải Bắc tại địa chỉ số 1 ngõ 1khu 9 phường Ngọc Châu thành phố Hải Dương đã khai thác kinh doanh tập kết trái phép nguyên vật liệu xây dựng tại đê ven sông Thái Bình trong thời gian dài gây bức xúc cho người dân. Chúng tôi đang xem xét và xử lý trong thẩm quyền của mình”.
Nhận thức rõ việc sản xuất kinh doanh là trái phép thậm chí vi phạm pháp luật song các DN và cá nhân vẫn “phớt lờ”, thản nhiên hoạt động trước hàng trăm bản cam kết và hàng ngàn biên bản vi phạm chỉ dừng ở mức xử lý hành chính từ 3-5 triệu đồng.
Trong khi chờ UBND thành phố và các ngành chức năng đồng loạt vào cuộc giải tỏa những DN đang vi phạm để cứu đê thì hàng ngày, hàng giờ những tuyến đê này vẫn phải “oằn mình” cõng trên lưng hàng ngàn những nguy cơ thường xuyên bị đe dọa. Thiết nghĩ, việc tạo điều kiện cho các DN sản xuất kinh doanh là cần thiết, nhưng để bảo đảm an toàn đê điều khi mùa mưa bão sắp đến và để an toàn sản xuất kinh doanh cho chính các DN, các cấp, các ngành chức năng có biện pháp rà soát, xử lý kiên quyết các công trình đang xây dựng trái phép trên hành lang đê, kè. Các ban ngành chính quyền chủ động tổng hợp xem xét sàng lọc việc cấp đăng ký kinh doanh, cho DN thuê đất ven đê, thực hiện nghiêm túc, dứt điểm tình trạng các DN vi phạm hành lang đê, đảm bảo công tác phòng, chống an toàn cho đời sống nhân dân trước mùa mưa bão.