ThienNhien.Net – Hàng nghìn container vô chủ đang biến nhiều cảng biển hiện nay trên toàn quốc trở thành những “bãi rác” khổng lồ, gây lãng phí và ô nhiễm. Sự nghiêm trọng ấy có nguyên nhân từ cung cách quản lý nhiều năm buông lỏng.
Dọn dẹp “bãi rác”, bài toán đang khó cho nhiều bên
Theo số liệu mới nhất của Cục Hàng hải Việt Nam, tính đến tháng 5-2015, số container tồn đọng tại cảng biển khoảng gần 6.000 container. Trong đó, cảng Hải Phòng với 5.450 container, Quảng Ninh 52 container, Đà Nẵng hơn 100 container, TP Hồ Chí Minh 177 container… Đa phần những container này đã tồn đọng nhiều năm.
Ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải, Cục Hàng hải cho biết, nếu như năm 2009 hàng hoá container thông qua cảng biển Việt Nam đạt 5.539.000 TEUS, năm 2010 đạt 6.521.000 TEUS, thì đến năm 2013 đã đạt 8.527.000 TEUS, năm 2014 đạt 10.240.000 TEUS. Con số trên cho thấy, sản lượng hàng hoá vận tải bằng container thông qua cảng biển Việt Nam đã tăng lên 184% chỉ sau 5 năm. Đồng hành với sự tăng trưởng vượt bậc đó, là các cảng biển đã trở thành những bãi rác công nghiệp đúng nghĩa. Ở đây, nguyên nhân do Luật xuất hiện các “lỗ hổng”, đặc biệt là chính sách tạm nhập tái xuất. Nhiều doanh nghiệp tham gia tạm nhập, nhưng khi không được tái xuất (có khả năng cả buôn lậu và gian lận thương mại) đã bỏ cả hàng hóa. Chi phí gửi bến bãi gấp hàng chục lần giá trị hàng hóa. Đó là chưa kể đến ô nhiễm đến môi trường cụm cảng ngày một nghiêm trọng.
Chúng tôi có mặt tại Cảng Chùa Vẽ, Hải Phòng, đã nhãn tiền không ít container vô chủ nhiều năm gây ô nhiễm nặng nề. Cụ thể như 2 container thuốc lá (doanh nghiệp “ma”) “nằm” từ năm 2006. Vỏ container mục ruỗng, bốc mùi nồng nặc. Hay 5 container săm lốp, vật liệu ôtô, ắc quy trì, hầm bà làng “nằm” từ năm 2009, nước ngấm, rỉ nước bốc mùi a xít chát chúa. Hoặc 4 chiếc container hàng đông lạnh “nằm” 1 năm, mùi hôi của phân hủy nội tạng động vật gây ô nhiễm cả vùng… Ông Vũ Nam Thắng, Giám đốc Cảng Chùa Vẽ cho biết, container về đến cảng đều “hợp lệ” về giấy tờ, nhưng sau thời gian nhiều lần “ký gửi” không thể tìm ra chủ nhân, vì hầu hết là các công ty “ma”. Cảng không thu được phí, còn phải chịu sự ô nhiễm. Hải quan, công an kinh tế vào cuộc nhưng cũng không tìm ra được “thủ phạm”. Tiến hành tiêu hủy, vấp phải nhiều rào cản về cơ chế.
Loay hoay và bức xức
Theo ông Thắng, đa phần container tồn đọng đều thuộc diện hàng hóa tạm nhập tái xuất. Người đứng tên lô hàng là các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc người vận tải không trực tiếp ký hợp đồng vận chuyển với chủ hàng mà ký qua bên trung gian. Do vậy, khi “thao tác” tái xuất gặp vấn đề, hàng hóa đã đình lại cảng, không rõ chủ nhân. Ở đây, Luật đã bị tư thương lợi dụng kẽ hở để gian lận thương mại, vi phạm pháp luật. Giá trị kinh tế vì thế thất thoát. “Nhiều container tồn đọng đã cộng dồn các loại phí lên đến hơn 300 triệu đồng/container. Giá trị hàng hóa thấp hơn nhiều. Nhiều doanh nghiệp bỏ của chạy lấy người” – ông Thắng nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Nhật, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, ở đây còn có một phần “lỗi” từ quy định chưa “khớp” và nhiều thủ tục của Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan còn rườm rà. Đơn cử như việc xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với hàng hoá tồn đọng theo quy định Điều 13 của Thông tư số 203/2014/TT-BTC do Cục Hải quan chủ trì chưa có hiệu quả, doanh nghiệp kinh doanh kho bãi là đơn vị chịu tác động trực tiếp nhưng lại không được chủ động trong việc thanh lý hàng. Hay như Bộ Công thương cấp phép nhưng lại chưa quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp được cấp Mã tạm nhập tái xuất. Vì thế, doanh nghiệp vô tư nhập khẩu tràn làn sang nước thứ 3 để kiếm lời, còn ùn tắc, tồn đọng, lãng phí dồn cho cảng biển…
Trước tình trạng các “bãi rác” công nghiệp cảng biển ngày một gia tăng, Bộ GTVT đã kiến nghị Bộ Tài chính có văn bản chỉ đạo Tổng cục Hải quan, UBND các địa phương có cảng biển, hướng dẫn Hội đồng thanh lý uỷ quyền cho doanh nghiệp cảng thực hiện các bước trong quá trình xử lý hàng tồn đọng như: tổ chức kiểm kê, phân loại hàng hóa, thuê các công ty có chức năng giám định chất lượng hàng hóa, định giá hàng hóa, thuê tổ chức đấu giá, tìm đối tác thiêu thụ hàng hoá, thuê các công ty xử lý hủy hàng hư hỏng… dưới sự giám sát và kiểm tra của Hội đồng. Toàn bộ chi phí sẽ do doanh nghiệp cảng ứng ra thực hiện. Số tiền thu được từ bán thanh lý sẽ được quyết toán cho doanh nghiệp cảng biển. Ngoài ra, các container có người nhận ở Việt Nam nhưng không xuất trình được giấy phép do Bộ Công thương cấp sẽ bị phạt tiền và buộc đưa hàng hóa ra khỏi Việt Nam. Trong trường hợp quá 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà doanh nghiệp không thực hiện thì tịch thu hoặc tiêu hủy hàng hóa theo quy định.