ThienNhien.Net – Ách tắc trong sử dụng vật liệu xây dựng không nung cho đến thời điểm này dường như chưa có hướng giải quyết.
So với gạch đất sét nung, gạch không nung (GKN) có các ưu điểm vượt trội, như ít phát thải khí nhà kính; sử dụng ít nhiên liệu; sử dụng phế thải làm nguyên liệu; nhẹ, có khả năng cách âm, cách nhiệt; đẩy nhanh tiến độ thi công, giảm giá thành từ 6-8%, tạo điều kiện thúc đẩy công nghiệp hóa ngành xây dựng… Do vậy, sản xuất và sử dụng GKN đang là một xu hướng tất yếu của ngành xây dựng trong tương lai.
Vẫn biết là cần thiết
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, để sản xuất 1 tỉ viên gạch đất sét nung theo phương pháp truyền thống, cần tiêu tốn 1,5 triệu m3 đất màu, tương đương 75 ha đất canh tác của nông dân (độ sâu khai thác là 2m); 150.000 tấn than để đốt lò và thải ra 570.000 tấn CO2 – gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường. Trong khi, nguồn nguyên liệu để sản xuất gạch không nung (GKN) bao gồm: Xi măng, vôi, thạch cao, phế tải công nghiệp (tro, xỉ, mạt đá…), cát, phụ gia. Nhận thức được tác hại của việc sản xuất gạch đất sét nung và những ưu điểm của việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung, trong 5 năm qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm hạn chế việc sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung, tăng cường sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung.
Ông Nguyễn Đình Hậu, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành Kinh tế – Kỹ thuật- Bộ KH&CN, Giám đốc Dự án cho biết, mức giảm phát thải khí nhà kính trực tiếp ước tính là 383.000 tấn CO2 trong 5 năm thực hiện Dự án, mức giảm phát thải khí nhà kính gián tiếp ước tính đạt 13,409 triệu tấn CO2 được tích lũy trong vòng 10 năm sau khi dự án kết thúc. Ngoài ra, việc thực hiện Dự án đáp ứng được mục tiêu cụ thể của chiến lược bảo vệ môi trường Việt Nam là giảm về cơ bản các nguồn gây ô nhiễm môi trường; khắc phục, cải tạo môi trường các khu vực đã ô nhiễm, suy thoái; cải thiện điều kiện sống của người dân; giảm nhẹ mức độ suy thoái, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Theo tính toán của các chuyên gia thì việc sử dụng gạch không nung sẽ giảm được 50% giá thành nhà ở. Giám đốc một doanh nghiệp xây dựng nhà xã hội cho biết, vừa qua nhà thương mại sốt với những căn hộ chung cư ở Đại Thanh, Kim Văn- Kim Lũ với giá 10 – 15 triệu đồng/m2 mà chủ đầu tư vẫn có lãi. Việc áp dụng những vật liệu xây dựng tiết kiệm như gạch không nung là một trong những lý do khiến giá nhà xã hội giảm chỉ bằng một nửa giá nhà thương mại đó.
Vẫn chưa như kỳ vọng
Theo thống kế của Bộ Xây dựng, ngành xây dựng tại Việt Nam đang tăng trưởng trung bình 8%/ năm 2015, nhu cầu gạch xây dựng của Việt Nam phát triển khá nhanh nhưng hiện ngành này vẫn đang sử dụng tới 80% gạch nung truyền thống. Từ thực tế này cho thấy việc tiêu thụ gạch không nung đang bộc lộ nhiều bất cập.
Chuyên gia quốc tế của Quỹ Môi trường toàn cầu – ông Roland Wong cho rằng, vai trò của cấp địa phương trong phát triển GKN là rất quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều địa phương chưa thấy hết được tầm quan trọng của việc tiết kiệm tài nguyên đất sét và than, chưa ý thức được việc phải giảm ô nhiễm môi trường khi sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung, nên chưa có biện pháp thích hợp để tăng cường sử dụng, khuyến khích sản xuất GKN. Do đó, cần tăng cường vai trò của cấp địa phương trong Dự án này.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cũng khẳng định, không lo ngại về chất lượng vì đã có những tiêu chuẩn hết sức nghiêm ngặt đảm bảo tiêu chuẩn của các công trình, nhưng thách thức lớn nhất chính là thói quen tiêu dùng, là tâm lý từ các nhà sản xuất, sử dụng và của các cơ quan quản lý để chấp nhận sản phẩm này. Tuy nhiên, cho đến nay, đa phần chủ đầu tư vẫn “ngại” dùng GKN bởi phải thay đổi ngay từ khâu thiết kế, chưa kể đến việc thi công chưa quen, dẫn đến tăng chi phí dự toán công trình. Do đó, việc tuyên truyền để tạo lòng tin đến người tiêu dùng cũng rất quan trọng.
Đa phần người dân do nhận thức chưa đầy đủ, cho rằng GKN chất lượng không bằng gạch nung truyền thống. Bên cạnh đó, ngoài việc truyền thông nâng cao nhận thức thì công tác đào tạo cũng rất quan trọng. Đối tượng đào tạo sẽ bao gồm cả nhà quản lý, nhà đầu tư, đội ngũ tư vấn, công nhân trực tiếp sản xuất, công nhân xây dựng và người sử dụng.
Một nguyên nhân khác là do DN còn thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn hạn chế nên phần lớn chỉ nhập dây chuyền công nghệ với trình độ trung bình, thiếu đồng bộ. Nhiều nhà máy sản xuất GKN ra đời đúng vào lúc nền kinh tế khó khăn, lạm phát cao, đầu tư công bị cắt giảm, thị trường bất động sản trầm lắng…, do đó sản phẩm tiêu thụ chậm, hàng tồn nhiều dẫn tới sản xuất bị ngừng trệ, một số DN đã phá sản. “Đó là chưa nói đến khả năng tiếp cận vốn của DN cũng rất khó khăn đã đẩy giá thành sản xuất GKN hiện cao hơn gạch đất sét nung từ 20-25% cũng là rào cản khiến người dân không mặn mà với sản phẩm mới này”, ông Đỗ Quốc Thái – Tổng Giám đốc Cty CP Đầu tư xây dựng An Thái cho biết.
Bên cạnh đó, DN sản xuất GKN lo ngại là dù đã có định mức xây dựng, nhưng Nhà nước chưa có chế tài cụ thể đối những loại công trình phải dùng vật liệu thân thiện môi trường. Do đó dẫn tới tình trạng các công trình áp dụng theo tiêu chuẩn này chủ yếu thuộc các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, còn các công trình vốn ngân sách Nhà nước hoặc các vùng nông thôn, hộ gia đình vẫn chưa sử dụng nhiều.