ThienNhien.Net – Sáng 11.6, Quốc hội đã nghe Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.
Tỷ lệ hộ nghèo tại các khu tái định cư còn cao
Phát biểu tại hội trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Từ sau kỳ họp thứ 8 đến nay, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã nghiên cứu, tiếp thu, trả lời 100% kiến nghị của cử tri.
Báo cáo do Trưởng ban dân nguyện Nguyễn Đức Hiền nêu rõ, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, cử tri cả nước đã gửi đến Quốc hội 2.530 kiến nghị, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổng hợp, phân loại, xử lý để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết 2.108 kiến nghị.
Về kết quả giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống của người dân tái định cư khi Nhà nước xây dựng các công trình thuỷ điện: Để giải quyết khó khăn cho người dân sau tái định cư một số dự án tái định cư thủy điện, Bộ Công thương, Bộ NNPTNT phối hợp với UBND các tỉnh, chủ đầu tư dự án tiến hành rà soát, đánh giá những vấn đề liên quan đến đời sống của người dân khi Nhà nước thu hồi đất xây dựng các công trình thủy điện, để tiếp tục xem xét, giải quyết.
Tuy đời sống của người dân tại các khu tái định cư các công trình thủy điện được cải thiện, nhưng nhìn chung vẫn còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo tại các khu tái định cư vẫn còn cao và cao hơn tỷ lệ hộ nghèo bình quân ở các địa phương như các hộ dân tái định cư thuộc thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) hơn 74% hộ nghèo, Plei Krong (Kon Tum) 65,13%, Khe Bố (Nghệ An) 60%, An Khê-Ka Năk (Gia Lai) 56%, Đăk Rinh (Quảng Ngãi) 49%, Huội Quảng (Lai Châu) 39,09%, Hòa Bình 36%…
Thu nhập của người dân tái định cư chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng nhiều nơi còn thiếu đất canh tác, đất xấu, thiếu khả năng đầu tư thâm canh.
Bên cạnh đó, việc thu hồi đất, giao đất sản xuất của một số dự án còn chậm, đất xấu, một số nơi chưa giao đủ đất nên người dân không có điều kiện phát triển sản xuất như dự án thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam), Lào Cai, Sơn La; công tác đào tạo nghề và chuyển đổi nghề nghiệp chưa hiệu quả, sau đào tạo người lao động khó tìm việc làm, tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề rất thấp; công tác chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm cho người dân, nhất là đối với người dân bị mất đất sản xuất thiếu tính đa dạng, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương và phong tục, tập quán của người dân.
Thiết kế mẫu tàu cho ngư dân không phù hợp với thực tế
Về giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống của ngư dân, Chính phủ đã ban hành chính sách tín dụng ưu đãi đối với ngư dân đóng tàu công suất lớn cả về thời hạn vay và lãi suất. Về chính sách bảo hiểm, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên; từ 70 đến 90% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ, tùy theo công suất máy chính từ 90 CV trở lên. Miễn thuế đối với thu nhập từ nuôi trồng, chế biến thủy sản; thu nhập của hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực ngư nghiệp ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, thu nhập từ hoạt động đánh bắt hải sản…
Tuy vậy, việc đầu tư vốn xây dựng cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão chưa kịp thời, vẫn còn dàn trải, thiếu đồng bộ, hiệu quả đầu tư không cao, còn để xảy tình trạng tại nạn tàu thuyền do luồng lạch không được nạo vét thường xuyên như việc đầu tư cảng cá Lạch Vạn (Nghệ An), nên tàu thuyền ra, vào rất khó khăn, nhất là đối với tàu có công suất trên 90 CV; cảng cá và trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ (Quảng Ngãi), vốn đầu tư 107 tỷ đồng nhưng đầu tư kéo dài, đến nay đã 6 năm vẫn chưa hoàn thành,…
Việc xác định, giám định giá dự toán đóng tàu để làm cơ sở cho việc quy định mức vay còn gặp khó khăn nên triển khai thực hiện còn chậm; qui định nâng cấp tàu cá có công suất 400 CV trở lên phải thay máy mới thì mới được hỗ trợ lãi suất là chưa phù hợp thực tế, chưa khuyến khích ngư dân đầu tư trang thiết bị để nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản sản phẩm. Việc quy định vốn đối ứng quá cao đối với chủ tàu được vay vốn gây khó khăn cho ngư dân khi tiếp cận tín dụng ưu đãi…
Công tác triển khai thiết kế chi tiết đối với các tàu cụ thể theo 21 thiết kế mẫu đã được công bố chưa phù hợp với thực tế, ngư dân phải sửa đổi cho phù hợp với ngư trường, tập quán nhưng chi phí sửa đổi thiết kế chưa được hỗ trợ; chưa có thiết kế mẫu đối với các tàu vỏ vật liệu mới và vỏ gỗ.
Thiếu đồng bộ giữa trọng tải cầu và đường
Về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới: Việc thực hiện Chương trình có nơi, có lúc còn thiếu sâu sát, chưa thường xuyên, chặt chẽ; nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu; có nơi sử dụng nguồn vốn kém hiệu quả, để thất thoát; chưa chủ động huy động nguồn lực xã hội; một số tiêu chí chưa phù hợp với các vùng miền khác nhau, khó thực hiện; kết quả đạt được còn chưa đồng đều, có khoảng cách quá lớn giữa các địa phương và vùng miền; một số cơ chế đã ban hành chậm đi vào cuộc sống…
Về đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông: Trong năm vừa qua, nhiều công trình dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác, kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Tuy vậy, trong quá trình tổ chức triển khai các dự án đường giao thông còn thiếu đồng bộ giữa trọng tải cầu và đường gây khó khăn cho vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp; việc kết hợp khi thi công giữa các công trình giao thông với các công trình điện, nước; đường quốc lộ với đường dân sinh có nơi chưa đồng bộ, gây khó khăn cho sinh hoạt, đời sống của người dân.