ThienNhien.Net – Ngày 9-6, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM đã giám sát tình hình di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố. Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM Nguyễn Văn Phước cho biết, kết thúc chương trình di dời giai đoạn 2003 – 2007, cả thành phố có gần 1.400 doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm đã di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc ngưng hoạt động. Còn 6 doanh nghiệp chưa xử lý xong và đang tiếp tục hoàn thiện xử lý hiện trạng ô nhiễm là Nhà máy sản xuất nước mắm Việt Hưng, Công ty dệt nhuộm Sài Gòn, Công ty dệt may Gia Định, Nhà máy đóng tàu Bình Lợi, Công ty giấy Thăng Long, Công ty xi măng Hà Tiên.
Tuy nhiên, tính cho đến thời điểm hiện nay, thống kê của Ban chỉ đạo di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm và không phù hợp quy hoạch cho thấy, toàn thành phố phát sinh thêm 698 cơ sở vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa không phù hợp quy hoạch, tập trung nhiều nhất tại huyện Bình Chánh, Hóc Môn, quận 12, Bình Tân.
Để khắc phục tình trạng này, về phía Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, sở đang thống kê, thực hiện ghi nhận nguyện vọng di dời, chính sách hỗ trợ, đồng thời, phân loại và xây dựng lộ trình khắc phục ô nhiễm môi trường cho những cơ sở sản xuất ô nhiễm phải di dời. Trước hết, từ nay đến 2016 sẽ tập trung di dời 24 cơ sở sản xuất đang gây ô nhiễm tại khu phố 4, phường Đông Hưng Thuận, quận 12. Từ năm 2017 sẽ triển khai làm 3 giai đoạn: giai đoạn 1, di dời 177 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; giai đoạn 2, di dời tiếp 116 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nhẹ nhưng không phù hợp quy hoạch và cuối cùng là di dời 405 cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch.
Dự kiến các cơ sở sản xuất phải di dời trong đợt này sẽ được đưa vào 4 khu công nghiệp là Hiệp Phước, Lê Minh Xuân 3, Đông Nam và An Hạ.